Lượng người xem kỷ lục đêm thi pháo hoa Đà Nẵng

Ngay từ chiều, hai con đường dọc sông Hàn đã không còn chỗ trống, dân lẫn du khách đã đi từ sớm hòng tìm chỗ tốt nhất xem pháo hoa.
Với sự thể hiện hoành tráng, quyến rũ của đêm khai mạc, đêm thứ 2 và cũng là đêm kết thúc Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2011 đã thu hút lượng người xem kỷ lục.

Từ 16 giờ, hai con đường Bạch Đằng và Bạch Đằng Đông dọc sông Hàn đã không còn một chỗ trống, người dân Đà Nẵng lẫn du khách đã đi từ rất sớm hòng tìm một chỗ tốt nhất để thưởng thức những màn trình diễn của nghệ thuật pháo hoa.

Bằng sự kết hợp hài hòa giữa nhạc và pháo hoa, Đội pháo hoa Parente Fireworks, Italy, mang đến cuộc thi màn trình diễn với chủ đề “Sức sống của dòng sông.”

Màn trình diễn mô tả các khía cạnh và đặc điểm khác nhau của dòng sông, dòng nước lững lờ trôi giữa thiên nhiên còn nguyên vẹn vẻ hoang sơ cũng như mô tả nước - sự sống và là sức mạnh của thiên nhiên, đã là những yếu tố khơi gợi tạo nguồn cảm hứng cho quá trình sáng tạo màn trình diễn. “Sức sống của dòng sông” là một chuỗi các các bức tranh chuyển tải tình cảm và hình ảnh Sông Hàn.

Màn dạo đầu trên nền nhạc “Miền Viễn Đông của thế giới” của Iva Davies đã mô tả sự hình thành của dòng sông từ thuở sơ khai, trong khi bản nhạc “Il proprio fine” sáng tác bởi Erna Hemming mô tả dòng sông êm ả trôi. Bản nhạc “Hopipolla” của Sigur Ross nêu bật sự vĩ đại của dòng sông và tính thiên nhiên của dòng sông. Bản nhạc “Điệu nhảy của mưa” của The Journey miêu tả nguồn nước của dòng sông, trong khi bản nhạc “Điệu nhảy của dòng sông” của Bill Whelan mô tả sự thống nhất của dòng sông.

Sự tráng lệ và tính độc lập tự chủ của dòng sông được phác họa bằng bản nhạc “Canto della Terra” của Andrea Bocelli and Sarah Brightman, trong khi sự dữ dội của các trận lũ lụt gây ra cho dòng sông được minh họa bởi bản nhạc “Cổng Vĩ đại của Kiép” lấy cảm hứng từ những bức tranh tại Triển lãm của Modest.

Thú vị nhất nằm ở phần kết thúc với những hiệu ứng giữa rất nhiều ánh sáng nhấp nháy, đầy màu sắc và sự kết hợp hài hòa với âm thanh của bài hát Boteli vì nó mang chất liệu nhạc cổ điển Italy tráng lệ, rực rỡ.

Với chủ đề “Xuôi dòng Hàn giang,” màn trình diễn dài 21 phút 8 giây của đội Panda Fireworks- Trung Quốc được chia thành 5 phần mạch lạc, chặt chẽ; được thể hiện bằng những hình ảnh đặc biệt như những con sóng, những chiếc thuyền xuôi dòng sông, ánh bình minh, và sự kết hợp các hiệu ứng sắc màu ở nhiều cấp độ khác nhau.

Phần trình diễn được thiết kế nhằm phác họa sự hùng vĩ và vẻ đẹp của sông Hàn, cất tiếng hát ngợi ca lịch sử hào hùng và tương lai tươi sáng của dòng sông, của thành phố Đà Nẵng, và ngợi ca người dân Đà Nẵng thông minh, cần cù.

Đội Trung quốc đã đem đến cho người xem bằng sự kết hợp tinh tế giữa các hiệu ứng màu sắc ở nhiều cấp độ khác nhau trên nền nhạc mới lạ (không lấy từ các bài hát quen thuộc mà tự sáng tạo ra hoàn toàn mới mẻ).

Chủ đạo của nền nhạc dựa theo nền tảng của bài nhạc đã sử dụng trong Đại hội thể thao châu Á năm 2010 (ASIAD 16) vừa tổ chức mới đây tại Quảng Châu (Trung Quốc), với nội dung thể hiện sự hướng tới cuộc sống tốt đẹp.

Điểm khạc lạ của đội Trung Quốc đem tới cuộc thi năm nay là không tập trung vào số lượng pháo nhiều hay ít mà chú trọng vào sự ấn tượng trong cách trình diễn để “ghi điểm,” đội đã thành công khi sử dụng khí nén để đẩy pháo lên cao hơn nhằm giảm đi lượng khói quá dày.

Tất cả những gì đã diễn ra trong 2 đêm tại cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2011 đã để lại trong lòng người xem quá nhiều cung bậc cảm xúc. Lúc thăng hoa, lúc sâu lắng, lúc trữ tình và cả lãng mạn. Tất cả đã cống hiến cho người xem bữa đại tiệc của sự kết hợp hài hòa giữa âm thanh, ánh sáng và hiệu ứng của các loại pháo hoa trên bầu trời xanh trong Đà Nẵng được soi bóng giữa dòng sông Hàn.

Ban tổ chức đã trao giải nhất cho đội Italy; Trung Quốc, Hàn Quốc xếp thứ nhì; đội Anh và Việt Nam xếp thứ ba./.

Văn Sơn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục