Tai nạn đường thủy giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ

Số vụ tai nạn đường thủy có xu hướng giảm nhưng cơ sở hạ tầng và ý thức người điều khiển phương tiện vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Theo thống kê sơ bộ của Cục Cảnh sát đường thủy, năm 2011, các tuyến đường thủy nội địa cả nước xảy ra 150 vụ tai nạn giao thông đường thủy, liên quan đến 208 phương tiện thủy các loại, làm chết 129 người, bị thương 17 người, chìm và hư hỏng 177 phương tiện.

Thiệt hại về tài sản, hàng hóa chở trên phương tiện ước tính khoảng 35,654 tỷ đồng.

So với năm 2010, tai nạn giao thông đường thủy giảm 46 vụ, tương đương với 23,46%, số người chết giảm 11,46%, thiệt hại tài sản giảm 38,83%.

Trong đó, có 11 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 54 người, bị thương 3 người, chìm và làm hỏng 11 phương tiện, thiệt hại ước tính 20,330 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn đường thủy là do vi phạm quy tắc tránh vượt của người điều khiển phương tiện (59,3%).

Trong năm 2011, lực lượng Cảnh sát đường thủy đã tăng cường tuần tra kiểm soát, tập trung xử lý hành vi vi phạm này, so với năm 2010 số vụ tai nạn giao thông xảy ra do nguyên nhân này đã giảm đáng kể (khoảng trên dưới 8%) nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số vụ tai nạn xảy ra.

Ngoài ra, hiện nay cơ sở hạ tầng giao thông đường thủy ít được đầu tư nạo vét, thanh thải chướng ngại vật, khơi thông luồng lạch, hệ thống báo hiệu giao thông đường thủy nội địa chưa đầy đủ cũng là một trong những nguyên nhân làm cho phương tiện đâm va phải chướng ngại vật trên luồng, gây tai nạn, chiếm 17,34% tổng số vụ.

Về phương tiện gây tai nạn, đáng chú ý là phương tiện có trọng tải toàn phần trên 15 tấn chiếm tỷ lệ cao cả về số vụ tai nạn (66,1%) và số người chết (35,48%), 100 phương tiện bị chìm và hư hỏng, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 27,78 tỷ đồng.

Nhìn chung, tai nạn giao thông đường thủy xảy ra tập trung chủ yếu ở các tuyến có lưu lượng phương tiện hoạt động nhiều, đặc biệt là trên tuyến đường thủy ở Thành phố Hồ Chí Minh và miền Tây Nam Bộ như Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Cà Mau, Kiên Giang, tuyến đường thủy khu vực Đông Bắc Bộ như Hải Dương, Hải Phòng.

Bên cạnh đó, địa bàn đường thủy ở các khu vực xa xôi, hẻo lánh, ít có sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng cũng là nơi xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường thủy đặc biệt nghiêm trọng làm chết nhiều người như vụ tai nạn xảy ra ngày 4/8/2011 trên tuyến sông Đà tại km 57 thuộc địa phận xã Mường Mô, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu làm chết 5 người; vụ tai nạn ngày 12/1/2011, trên sông Lô, thuộc địa phận phường Hưng Thành, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang làm chết 9 người.

Trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát đường thủy sẽ phối hợp với các lực lượng và các ngành chức năng mở đợt cao điểm tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động giao thông đường thủy nội địa, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc tiềm ẩn an toàn, là nguyên nhân gây tai nạn và ùn tắc giao thông.

Đồng thời, lực lượng cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường thủy nội địa, Nghị định 60/CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thuỷ nội địa và đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giữ gìn trật tự xã hội trên đường thủy, giúp cán bộ và nhân dân đón Tết vui tươi và hạnh phúc./.

Hạnh Lê (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục