Chile: “Miền đất lành” của người nhập cư Palestine

Hiện có khoảng 350.000 người Palestine sinh sống ở Chile. Đây là cộng đồng người Palestine đông nhất định cư bên ngoài thế giới Arập.
Hiện có khoảng 350.000 người Palestine sinh sống tại Chile. Đây là cộng đồng người Palestine đông nhất định cư bên ngoài thế giới Arập. Sau hơn 100 năm sinh sống tại Chile, cộng đồng người Palestine đã làm được những điều mà ngay cả người Palestine sống tại mảnh đất cội nguồn của họ không làm được: trở thành nhóm dân cư có ảnh hưởng lớn, giữ mối quan hệ thân thiện với người Do thái và thậm chí thành lập được một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp. Những người Palestine đầu tiên tới Chile vào giữa thế kỷ XIX. Tại sao họ chọn Chile làm nơi sinh sống lâu dài thì không ai biết chắc chắn? Tuy nhiên, lý do được nhiều người chấp nhận nhất là sau khi nhóm người đầu tiên tới Chile - phần lớn là thợ thủ công và nông dân - nhiều người trong số họ đã truyền miệng và rủ người thân trong gia đình và bạn bè tới rẻo đất hình trái ớt này vì thấy rằng đây là vùng đất dễ sống.

Thế nhưng làn sóng nhập cư lớn nhất của người Palestine vào Chile diễn ra vào đầu những năm 1900, khi thanh niên Palestine - lúc đó thuộc Đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) - tìm cách sang quốc gia Nam Mỹ để trốn quân dịch. Vì mang hộ chiếu do Đế chế Ottoman cấp, người dân Chile gọi họ là người Thổ. Phần lớn những người Palestine nhập cư xuất thân từ các thành phố Bethlehem, Beit Jala và Beit Sahour. Tất cả đều theo đạo Thiên chúa. Trong điều kiện “lạ nước lạ cái” và không tránh khỏi bị phân biệt đối xử, lúc đầu cuộc sống của họ không hề dễ dàng. Nhiều trong số họ kiếm kế sinh nhai bằng việc bán hàng rong. Lúc đầu họ kinh doanh bất kỳ mặt hàng nào và sẵn sàng đi bộ hàng trăm kilômét tới những vùng hẻo lánh để bán hàng. Chính nhờ chịu khó làm ăn như vậy, nhiều người đã trở nên giàu có. Mặt khác, do cùng làm ăn buôn bán và cùng cảnh nhập cư, cộng đồng người Palestine tại Chile có quan hệ chân tình với những người Do thái và những nhóm người Arập khác.

Mặc dù có những khác biệt về văn hóa, người Palestine tại Chile đã nhanh chóng hòa nhập và trở thành một phần quan trọng trong giới trung lưu, đặc biệt một số trong số họ thuộc nhóm người giàu có nhất tại quốc gia Nam Mỹ này. Hai trong các dòng họ có tiềm lực kinh tế lớn nhất tại Chile là Yarur và Said, đều của Palestine. Còn tại Thượng viện thì 10% mang dòng máu Palestine. Trong số các nhân vật có “máu mặt” gốc Palestine phải kể đến Viện trưởng Viện kiểm sát Sabas Chahuán, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá quốc gia Sergio Elías Jadue và ông Pablo Antonio Zalaquett, người vừa mãn nhiệm thị trưởng thủ đô Santiago. Thế nhưng có lẽ một trong những bằng chứng rõ nhất về ảnh hưởng của người Palestine tại Chile là sự hình thành và phát triển của câu lạc bộ Club Deportivo Palestino S.A. Đội được thành lập năm 1920 và thi đấu chuyên nghiệp từ năm 1952. Theo ông Jorge Correa, Tổng giám đốc Câu lạc bộ, đây là đội bóng duy nhất tham gia các giải thi đấu của Liên đoàn bóng đá quốc tế (FIFA) và bảo vệ màu cờ sắc áo của Palestine. Ban đầu Câu lạc bộ này chỉ tuyển mộ các cầu thủ có liên quan huyết thống với Palestine, nhưng sau này, do nhu cầu tăng cường sức mạnh, các cầu thủ không bắt buộc có quan hệ máu mủ với thế giới Arập. Hiện tại, Câu lạc bộ chỉ có một cầu thủ gốc Palestine (hậu vệ Roberto Fabián Bishara Adawi). Tuy nhiên người Palestine vẫn coi đây là Câu lạc bộ đại diện cho họ trên thế giới. Đội bóng này đã hai lần vô địch giải ngoại hạng. Năm 2008, khi Câu lạc bộ lọt vào chung kết gần đây nhất (trước Colo Colo) cả trận bán kết và chung kết đều được truyền trực tiếp tại Trung Đông./.
Quang Sơn/Buenos Aires (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục