"Cần cơ quan đầu mối quản lý giám sát vốn nhà nước"

Chiều 2/11, một số đại biểu Quốc hội kiến nghị cần cơ quan đầu mối quản lý giám sát vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty.
Trọng tâm của phiên thảo luận chiều 2/11, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 12 về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2011 vẫn là những ý kiến xung quanh sự cố Vinashin và các biện pháp tăng cường giám quản hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Đáng chú ý, một số đại biểu đề nghị Quốc hội cần nhìn nhận một cách toàn diện, đầy đủ về vụ việc Vinashin để tránh những cái nhìn phiến diện.

Khẳng định trước nghị trường Quốc hội về những thành tựu rất đáng ghi nhận của đất nước trong năm 2010, đại biểu Võ Trọng Việt, tỉnh Sơn La cho rằng: Xét về tổng thể, đất nước vẫn đạt được nhiều thành tựu toàn diện. Những khuyết điểm, sai lầm hoặc thậm chí là sai phạm nghiêm trọng cũng không thể phủ nhận được những thành quả to lớn đó.

Đại biểu Võ Trọng Việt nhìn nhận: Việt Nam đã có được một môi trường thuận lợi cho quan hệ giao lưu và kinh tế phát triển, được thế giới đánh giá cao. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội hết lòng vì dân. Việt Nam cũng là một trong số ít nước mặc dù bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới nhưng vẫn đạt tăng trưởng cao, đây là điều rất đáng tự hào.

Đặc biệt, trước mỗi thời điểm khó khăn, Quốc hội và Chính phủ luôn kề vai sát cánh, cùng chia sẻ, tạo nên sức mạnh lớn để đất nước phát triển ổn định mà việc cùng nỗ lực vượt qua suy giảm kinh tế là một minh chứng cụ thể, đại biểu Việt nêu rõ.

Không làm giảm vai trò của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước


Đề cập đến vụ việc Vinashin, đại biểu Võ Trọng Việt thẳng thắn đề nghị Quốc hội, Chính phủ, trong tiến trình giải quyết cần thận trọng và “đừng vì nó mà làm rối rắm tình hình.”

Theo đại biểu Việt, vấn đề này, Đảng đã có những có thái độ kiên quyết, nghiêm túc. Bộ Chính trị đã có kết luận, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm. Chính phủ cũng đã có quyết sách tái cơ cấu để vực dậy Vinashin tiếp tục trả nợ, khôi phục và phát triển.

Không đồng ý với cái nhìn từ vụ việc Vinashin mà làm giảm vai trò của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, đại biểu Việt chia sẻ, vụ việc tại Vinashin là bài bài học đắt giá của đất nước nhưng phải nhìn nhận từ hai phía rằng, cũng có những tập đoàn, tổng công ty kinh doanh tốt, hiệu quả như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với mức thu ngân sách 30% cho đất nước....

Vinashin vẫn tiếp tục đóng tàu và xuất xưởng

Vẫn câu hỏi về Vinashin, đại biểu Trần Bá Thiều, thành phố Hải Phòng chia sẻ, Vinashin là bài học vô cùng quý báu để chúng ta tiếp tục phát triển các mô hình kinh tế.

Cho rằng vụ việc Vinashin vẫn đang trong tầm kiểm soát, đại biểu Thiều cho rằng nhiều đại biểu Quốc hội vẫn chưa hình dung hết được về Vinashin và hiện Vinashin vẫn có nhiều con tàu đang được đóng mới, đang được xuất xưởng.

Không đồng tình với ý kiến của một số đại biểu Quốc hội cho rằng Vinashin u ám và thất vọng, đại biểu Thiều cung cấp thông tin: Cơ quan điều tra đã làm việc nghiêm túc và tất cả những cá nhân sai phạm đang được xử lý nghiêm minh. Ủy ban Kiểm tra Trung ương vẫn đang tiếp tục làm rõ trách nhiệm của những bộ, ngành liên quan. Trong tháng 11 này, Vinashin sẽ xuất xưởng con tàu 53.000 tấn.

Đại biểu Thiều kiến nghị Quốc hội yêu cầu lãnh đạo Tập đoàn Vinashin báo cáo trước nghị trường Quốc hội và truyền hình trực tiếp để nhân dân và các đại biểu hiểu đúng hơn về tình hình của Tập đoàn.

Tăng cường giám quản để các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước tiếp tục phát triển


Cũng trong buổi thảo luận chiều nay, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu xoay quanh nội dung cải cách doanh nghiệp Nhà nước. Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước làm ăn kém bởi ba nguyên nhân, trong đó có vấn đề quản trị doanh nghiệp không hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng đề nghị cần tập trung cải cách, quan tâm đặc biệt đến vấn đề này, tránh triệt để tình trạng Tổng Giám đốc các Tập đoàn kinh tế và Tổng Công ty Nhà nước coi tài sản của Nhà nước là của trời cho, chi tiêu sử dụng thoải mái mà không cần tính toán hiệu quả.

Đại biểu Trừng cũng kiến nghị Chính phủ phải kiên quyết đặt doanh nghiệp Nhà nước trong môi trường cạnh tranh chung, bởi đây là biện pháp hiệu quả nhất đề cải thiện tình hình kinh doanh của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước.

Đồng tình với quan điểm cho rằng cần tăng cường thiết chế giám sát đối với doanh nghiệp, đại biểu Vũ Viết Ngoạn, tỉnh Khánh Hòa kiến nghị cần có cơ quan đầu mối quản lý giám sát vốn của nhà nước tại các tập đoàn kinh tế và tổng công ty.

Trong phần giải trình của các bộ trưởng, song hành với thảo luận của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc giải thích về nội dung giám sát đầu tư và thực hiện chế độ báo cáo đầu tư của địa phương với các bộ ngành cơ quan Trung ương theo quy định của pháp luật đầu tư.

Theo Bộ trưởng, hàng năm Bộ đều yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế Nhà nước báo cáo về nội dung này một cách cụ thể như thực hiện đầu tư và công tác bố trí vốn cụ thể cho từng dự án, công trình, từ đó có nhận xét, đánh giá.

Qua công tác giám sát cho thấy khối các địa phương, bộ ngành báo cáo khá tốt nhưng khối doanh nghiệp Nhà nước thực hiện không đầy đủ. Điều này chính là do lỗ hổng của luật pháp, ông Phúc cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, doanh nghiệp Nhà nước là đơn vị sử dụng vốn Nhà nước, nếu để mất vốn là Nhà nước mất vốn, nhân dân mất vốn vì đó chính là tiền thuế đóng góp của mỗi người dân. Vì vậy phải có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn bằng các cơ chế chính sách, bằng các Nghị định.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng cho biết, hiện nay, Chính phủ đang giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai nghiên cứu để xác lập lại vai trò của chủ sở hữu, cơ quan quản lý đại diện chủ sở hữu, lập lại trật tự đầu tư trong doanh nghiệp Nhà nước…

Đây cũng là buổi thảo luận cuối của Kỳ họp về nội dung này./.

Quang Vũ-Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục