Nhân tố Trung Quốc át đi nỗi lo "vách đá tài chính"

Số liệu tích cực từ Trung Quốc đã át nỗi lo ngại của giới đầu tư về "vách đá tài chính" cùng niềm tin sụt giảm của doanh nghiệp Nhật.
Các thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 14/12 trong bối cảnh số liệu kinh tế tích cực từ Trung Quốc đã át đi nỗi lo ngại của giới đầu tư về vấn đề "vách đá tài chính" ở Mỹ cùng niềm tin sụt giảm của các doanh nghiệp Nhật Bản trong các tháng cuối cùng của năm.

Nhân tố Trung Quốc cũng chặn bớt hoạt động bán chốt lời của nhà đầu tư sau nhiều phiên thị trường cổ phiếu đi lên thời gian gần đây. Theo số liệu sơ bộ của ngân hàng HSBC, chỉ số quản lý sức mua (PMI) trong tháng 12 của ngành chế tạo Trung Quốc đã tăng lên mức 50,9 - cao nhất trong 13 tháng qua, và cao hơn mức kỳ vọng 50,8 của thị trường, cũng như mức 50,5 của tháng 11.

Đây cũng là tháng thứ hai liên tiếp ngành công nghiệp Trung Quốc tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước (chỉ số trên 50 cho thấy ngành công nghiệp đang được mở rộng). Con số này cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trở lại đường ray tăng trưởng sau 12 tháng liên tiếp giảm đều qua các tháng.

Đóng cửa phiên 14/12, trong số các thị trường tăng điểm có Hong Kong và Thượng Hải, trong đó Shanghai Composite của Thượng Hải tăng mạnh 4,32% (89,15 điểm) lên 2.150,63 điểm; Hang Seng của Hong Kong tăng 0,71% (160,40 điểm) lên 22.605,98 điểm.

Các thị trường còn lại hầu như đi ngang hoặc chỉ giảm rất nhẹ, trong đó Nikkei 225 của Nhật Bản giảm không đáng kể 5,17 điểm xuống 9.737,56 điểm; KOSPI của Hàn Quốc lùi 0,75% (58,32 điểm) về 1.995,04 điểm; Weighted của Đài Loan mất 0,75% (58,32 điểm) xuống 7.698,77 điểm và S&P/ASX200 của Australia cũng gần như đứng yên, chỉ nhích nhẹ 0,3 điểm lên 4.583,1 điểm.

Qu Hongbin, kinh tế gia của ngân hàng HSBC có trụ sở tại Hong Kong nhận định, kinh tế Trung Quốc ngày càng có nhiều dấu hiệu phục hồi về tốc độ tăng trưởng, chủ yếu là do sự cải thiện của nhu cầu trong nước - nhân tố được cho là động lực chính của tăng trưởng ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông này cảnh báo, những "làn gió ngược" từ bên ngoài vẫn sẽ là chướng ngại cho sức tăng trưởng của nền kinh tế phụ thuộc chính vào xuất khẩu này. Ngoài ra, nhà đầu tư phiên này còn lo ngại về việc các nhà hoạch định chính sách của Mỹ dường như đang quá chậm trễ trong việc tiến tới một thỏa thuận về vấn đề "vách đá tài chính," nhằm làm thay đổi kế hoạch cắt giảm chi tiêu và tăng thuế trị giá 600 tỷ USD sẽ được tự động có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 tới.

Một kế hoạch ngân sách mà các nhà phân tích cho là sẽ đẩy nước Mỹ rơi trở lại suy thoái. Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Hạ viện John Boehner đã tiến hành một cuộc đàm phán được mô tả là "thẳng thắn" vào ngày 13/12, song vẫn còn quá ít dấu hiệu cho thấy cả hai đã tìm được tiếng nói chung về một kế hoạch khả dĩ nhằm cắt giảm khoản thâm hụt khổng lồ của nước Mỹ.

Nhà đầu tư hiện đang chờ đợi cuộc họp thường niên quan trọng của các lãnh đạo cao nhất ở Bắc Kinh, qua đó sẽ vạch ra những chính sách và các mục tiêu kinh tế quan trọng cho năm 2013 tới.

Đêm trước (13/12) tại Mỹ, chứng khoán Phố Wall cũng bị bóng đen của "vách đá tài chính" bao trùm, che lấp cả một số chỉ số kinh tế tích cực về việc làm, bán lẻ và lạm phát.

Sau khi chìm xuống trong phần lớn thời gian giao dịch trong ngày, cổ phiếu Phố Wall đã "bừng tỉnh" vào những giờ phút cuối cùng sau khi các phương tiện truyền thông đăng tải thông tin cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Đảng Cộng hòa John Boehner sẽ gặp nhau tại Nhà Trắng trong nỗ lực hòa giải những bất đồng giữa hai đảng xung quanh vấn đề "vách đá tài chính."

Tuy vậy, đóng cửa phiên này, cả ba chỉ số chính của Phố Wall vẫn giảm điểm, trong đó Dow Jones Industrial Average mất 74,73 điểm (0,56%) xuống 13.170,72 điểm; S&P 500 lùi 9,03 điểm (0,63%) xuống 1.419,45 điểm (phiên giảm đầu tiên sau sáu ngày tăng liên tiếp), và Nasdaq Composite tụt 21,65 điểm (0,72%) xuống 2.992,16 điểm.

Cùng ngày tại châu Âu, các sàn chứng khoán cũng chủ yếu mất điểm do giới đầu tư lo ngại về một thỏa thuận của Liên minh châu Âu (EU), theo đó trao cho Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) quyền giám sát hệ thống ngân hàng khu vực.

Đóng cửa phiên này, cả ba chỉ số chính của khu vực đều giảm điểm, trong đó FTSE 100 của Anh giảm 0,27% xuống 5.929,61 điểm; DAX 30 của Đức lùi 0,43% xuống 7.581,98 điểm, và CAC 40 của Pháp mất 0,10% xuống 3.643,13 điểm./.
 
Thùy Chi (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục