“Nông dân triệu phú”

Thăm những người “nông dân triệu phú” ở Hà Lan

Bán trang trại và hàng chục hecta đồng cỏ mang lại hàng triệu USD nhưng đó là giải pháp cuối cùng với những nông dân Hà Lan.
Chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Schiphol ở Amsterdam trong một buổi sáng tháng 9. Mưa rả rích, bầu trời thì u ám. Ngự Bình, cậu sinh viên có cái tên mộng mơ, đi cùng chúng tôi trong mấy ngày, bảo rằng thời tiết ẩm ướt và xám xịt như vậy sẽ kéo dài suốt 6 tháng trời – quả là không thú vị mấy cho những người đi du lịch, song lại cực kỳ thuận lợi cho những đồng cỏ bao la và cả một ngành chăn nuôi bò lấy sữa, một trong những sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của Hà Lan bên cạnh hoa tulip và cà chua. Koopmans ở Bontebok là một trong những trang trại điển hình. Ở đây nuôi nhốt quanh năm khoảng 80 con bò sữa, cỏ được trồng trên một diện tích 62ha cộng thêm 16ha ngô làm thức ăn cho bò. Trang trại này có hạn ngạch sản xuất 700.000 lít sữa bò mỗi năm, và tính ra mỗi chú bò cho khoảng 25-30 lít mỗi ngày. Song điều làm chúng tôi ngạc nhiên là trừ một vài việc phải thuê nhân công như cắt cỏ và lập kho chứa thức ăn, trang trại được vận hành bởi duy nhất... một người. Chủ nhân thế hệ thứ tư của trang trại tên là Arjen Koopmans, trông trẻ hơn cái tuổi 50 của anh. Giống như đa số nông dân Hà Lan ngày nay, Arjen có bằng kỹ sư nông nghiệp. Vì thế anh không chỉ tự tay trộn thức ăn, cho đàn bò ăn và theo dõi quy trình vắt sữa mỗi ngày, mà có thể quản lý lũ bò qua một hệ thống máy tính hiện đại. Anh còn mạnh dạn đầu tư hai hệ thống robot vắt sữa tự động mà mỗi chiếc có giá tới gần 100.000 euro. Gosse Damstra, 47 tuổi, chủ trang trại ở Folsgare, gần thủ phủ Leewarden của vùng Friesland thì lại chọn cách nuôi theo kiểu truyền thống là chăn thả. Cũng sở hữu nhiều máy móc nhưng chủ yếu chỉ để làm các việc nặng, Gosse nói không nhất thiết phải đổ cả đống tiền đầu tư cho robot vắt sữa vì anh có thể tự làm mà vẫn thảnh thơi. Sáng sáng, anh vắt sữa bò và làm vệ sinh chuồng trại khoảng 1 tiếng rưỡi trước khi thả lũ bò ra đồng cỏ. Mọi việc khác cũng chỉ có mình anh đảm đương, và anh bảo rằng công việc cũng... rảnh, mỗi tuần anh chỉ làm việc chừng 40 giờ để còn dành thời gian cho gia đình. Nhà Gosse Damstra có hai cô con gái, cô lớn đã 17 tuổi, nhưng không tham gia công việc nông trang. Có chăng, cô chỉ cùng mẹ nhận chăm vài đứa trẻ cùng làng cho bố mẹ chúng đi làm ở thành phố. Cả làng nằm trên diện tích bát ngát, nhưng chỉ có 3 hộ làm nghề nông. Gosse cũng có một “văn phòng” ngay trong nhà đặt bể chứa sữa. Nó bé tẹo như một cái kho và gần như chẳng có đồ đạc gì nhiều ngoài một cái bảng nhỏ lưu ý vài vấn đề, ít giấy tờ ghi chép và một cái máy tính cũ. “Trang trại của tôi vừa được công ty kiểm tra và lại được xếp hạng 100, là hạng cao nhất,” anh vui vẻ kể.

Cô con gái lớn của Gosse Damstra tại trang trại của gia đình (Ảnh: Vĩnh Khang/Vietnam+)
Arjen Koopmans và Gosse Damstra là hai trong số hơn 21.000 thành viên của công ty FrieslandCampina – hợp tác xã có lịch sử lâu đời nhất và cũng là lớn nhất trên thế giới, sản xuất ra hơn 10 tỷ kilogram sữa mỗi năm. Điều khiến chúng tôi bất ngờ là mô hình hợp tác xã tồn tại hơn 130 năm này vẫn đang chứng tỏ sự hiệu quả của nó bất chấp xu hướng công nghiệp hóa và tự động hóa trong các ngành nghề khác. Ở đây, mỗi người nông dân chính là chủ của công ty đồng thời cũng là những người làm ra hàng hóa và tạo nên thương hiệu danh tiếng cho các sản phẩm sữa của Hà Lan như Dutch Lady, Friso, Fristi, Peak... Trong khi tổng sản phẩm quốc nội tính theo đầu người ở Hà Lan là khoảng 48.000 USD thì mức thu nhập mỗi năm của mỗi gia đình nông dân vào khoảng 60.000 USD. Gosse còn cho hay, tùy theo thời điểm, mỗi con bò thậm chí có thể mang lại cho anh khoản lãi tới 2500 USD/năm. Để hoạt động hiệu quả đương nhiên không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của từng nông dân. Công ty FrieslandCampina áp dụng hệ thống quản lý chất lượng rất nghiêm ngặt, giá thu mua căn cứ theo chất lượng sữa, đi kèm với chế độ thưởng phạt được đánh giá là rất hiệu quả trong việc kích thích các thành viên tham gia nâng cao chất lượng. Ngoài ra, bản thân các nông dân cũng chủ động hợp lực thiết lập cơ sở thí nghiệm và kiểm soát chất lượng sữa độc lập, ví như phòng thí nghiệm ở Nijland do 500 nông dân lập nên nhưng đã phát triển thành một trung tâm uy tín. Wytze Heida, một chuyên gia về bò sữa của công ty The Friesian, dường như “nghiện” cái nghề nuôi bò sữa. Trong khi đưa chúng tôi đi thăm các trang trại, anh say sưa kể từ câu chuyện của từng trang trại nổi bật cho đến các công việc cụ thể của người nuôi. Có lúc, anh lại như một chuyên gia về nghiên cứu sản xuất sữa, phân tích còn kỹ lưỡng hơn cả người phụ trách cơ sở thí nghiệm. “Tôi vốn là giảng viên nông nghiệp, rồi quay sang phụ trách dự án hợp tác với các nước về chăn nuôi và sản xuất bò sữa,” Heida cho biết. “Tôi thích công việc này vì có cơ hội tiếp xúc nhiều người. Và tôi cũng thích rất nói chuyện về chăn nuôi bò. Theo tôi, muốn nuôi bò hiệu quả thì cũng phải có tình yêu với loài động vật này. Tình yêu từ sâu thẳm trái tim.” Tình yêu với nghề rõ ràng là điều dễ nhận thấy đối với những “triệu phú nông dân” Hà Lan này. Nhưng không phải là họ không có nhiều khó khăn. Có những trang trại đã phải đóng cửa vì thanh niên không muốn theo nghề nông. Cậu con trai 12 tuổi của anh Arjen Koopmans chỉ cười khi được hỏi có tiếp tục theo nghề của cha. Cậu chưa thể định hướng được, và điều quan trọng lúc này của cậu chỉ là xin chữ ký của chúng tôi để làm kỷ niệm. Cô con gái lớn của Gosse Damstra thì dứt khoát một từ “không.” “Bạn trai hiện nay của nó là con một nông dân nuôi bò sữa, vì thế nhiều khả năng cậu ta sẽ nối nghiệp cha. Tôi không biết là cậu ấy có muốn quản luôn cái trang trại này, hay là tôi sẽ phải bán đi để mua một căn nhà khác và hưởng tuổi già với vợ,” anh cười nói. Bán trang trại và hàng chục hecta đồng cỏ có thể mang lại một khoản tiền vô cùng lớn, trị giá hàng triệu USD. Nhưng có lẽ đó chỉ là giải pháp cuối cùng với những người mà nghề chăn nuôi bò sữa đã được gìn giữ qua nhiều đời như Arjen và Gosse./.
Vĩnh Khang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục