Đồng euro "ngoi ngóp" trong "cơn bão" nợ công

Đồng euro tiếp tục đối mặt với sức ép bán ra trên thị trường châu Á, trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về khủng hoảng nợ công châu Âu.
Đồng euro tiếp tục phải đối mặt với sức ép bán ra trên thị trường châu Á, trong bối cảnh nhà đầu tư ngày càng lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu.

Tại Tokyo phiên 6/1, đồng tiền chung châu Âu được giao dịch với giá 1,2787 USD/euro, sau khi trượt xuống 1,2771 USD/euro (mức thấp nhất kể từ tháng 9/2010) trong phiên 5/1 tại New York.

Sau khi lao xuống 98,48 yen/euro - mức "đáy" của 11 năm qua - tại New York, đồng euro đứng ở mức 98,71 yen/euro tại Tokyo. Trong khi đó, tỷ giá USD/yen không đổi ở mức 77,18 yen/USD.

Trả lời phỏng vấn Dow Jones Newswires, Osao Iizuka, phụ trách giao dịch ngoại hối tại Sumitomo Trust and Banking dự đoán đồng euro dù có tăng cũng phải đối mặt với ngưỡng trần là 1,285 USD/euro.

Đồng tiền chung châu Âu sẽ rất khó nhọc để leo lên và bất cứ sự phục hồi nào cũng rất hạn chế ở thời điểm Mỹ sắp công bố thống kê về tình hình việc làm tại khu vực phi nông nghiệp của nước này trong tháng 12/2011.

Một chuyên gia giao dịch tại một ngân hàng Nhật Bản cho rằng nhu cầu bán euro sẽ vẫn tiếp tục, trong bối cảnh các ngân hàng của châu Âu phải chịu sức ép ngày càng lớn trong việc giảm nợ công.

Theo giới phân tích, tâm lý trên thị trường đã bị ảnh hưởng nặng nề sau khi Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha cảnh báo các ngân hàng của nước này có thể cần tới 50 tỷ euro để bù lỗ cho các khoản nợ xấu.

Ngoài ra, chuyến thăm Brussels của Thủ tướng Italy Mario Monti cũng làm dấy lên các suy đoán về nguy cơ bất ổn mới, mặc dù các nguồn tin ngoại giao tại Bỉ tuyên bố đây hoàn toàn là chuyến đi mang tính cá nhân.

Mỹ vừa công bố thống kê cho hay thị trường lao động tại khu vực tư nhân khá sáng sủa - một tín hiện cho thấy nền kinh tế đang vững lên. Đây là nhân tố hậu thuẫn cho đồng USD tăng giá.

Phiên 6/1 tại Tokyo, đồng tiền xanh mạnh lên so với hầu hết các đồng tiền châu Á, trong đó có won (Hàn Quốc), peso (Philippines), baht (Thái Lan), rupiah (Indonesia) và SGD (Singapore)./.

Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục