Phục chế thành công bộ xương cá voi đảo Phú Quý

Theo Trưởng phòng VHTT đảo Phú Quý, Bình Thuận, việc phục chế bộ xương cá voi đầu to đã hoàn tất, đưa vào phục vụ tại Vạn An Thạnh.
Ngày 21/3, ông Đặng Minh Trí, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận cho biết việc phục chế bộ xương cá voi đầu to (còn gọi là cá nhà táng) đã được hoàn tất và đưa vào phục vụ tại Vạn An Thạnh.

Đây là một trong những hạng mục thuộc Công trình trùng tu di tích lịch sử văn hóa Vạn An Thạnh, tiến tới xây dựng một Viện bảo tàng biển đầu tiên của Bình Thuận.

Bộ xương cá voi được phục chế có chiều dài 15m. Bên cạnh đó, 5 bộ xương nhỏ thuộc họ cá voi tại Vạn An Thạnh cũng đã được phục chế hoàn tất. Công tác phục chế do Viện Hải Dương học Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đảm nhận. Tổng kinh phí trùng tu di tích lịch sử văn hóa Vạn An Thạnh gần 5 tỷ đồng.

Theo ông Đào Tấn Hổ, chuyên viên nghiên cứu sinh vật biển thuộc Viện Hải dương học Nha Trang, cá voi đầu to trưởng thành có chiều dài từ 15-17m, trọng lượng từ 45-55 tấn. So với bộ xương cá voi tại Vạn Thủy Tú ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận và các nơi khác, thì đây là bộ xương được phục chế hoàn chỉnh nhất.

Hiện nay, Di tích lịch sử văn hóa Vạn An Thạnh có đầy đủ hai phần: văn hóa vật thể bao gồm các kiến trúc cổ có từ năm 1781 và đến nay có 6 bộ xương cá voi được trưng bày; văn hóa phi vật thể bao gồm các lễ nghi, lễ hội, sắc phong… tạo thành một bảo tàng văn hóa biển phong phú, đáp ứng nhu cầu khám phá của du khách./.

Nguyễn Thanh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục