Sa tặc dữ dội rút ruột sông Cầu, xóa sổ đất bãi

Sa tặc lộng hành khiến khúc sông Cầu qua xã Mai Đình sâu, rộng hơn so với trước đây. Dòng chảy, biến đổi khiến 20ha đất bãi bị xóa sổ.
“Những năm trước, vào mùa mưa, nước sông Cầu ngập mấp mé đê, giờ thì chẳng ngập nữa vì sông rộng và sâu mà nguyên nhân chính do sa tặc lộng hành,” anh Hà Viết Chương, công an xã Mai Đình (Hiệp Hòa, Bắc Giang) chua chát.

Lẽ thường, sông rộng và sâu thì chứa nước nhiều, nên vào mùa mưa, xã Mai Đình không còn canh cánh nỗi lo ngập lụt, nước dềnh lên nghè Trâu Đỗ như xưa. Nhưng, cay đắng thay, chỉ trong vài năm, khoảng 20ha đất bãi của Mai Đình đã bị lở vì sa tặc đã làm thay đổi dòng chảy.

“Cướp cát” ngày và đêm

Chỉ tay về phía bốn con tàu đang thả neo giữa dòng, chĩa cái vòi bạch tuộc cuồn cuộn hút cát, anh Chương bảo, khúc sông Cầu chảy qua xã mình không hiền hòa như trước.

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2005, khi người ta “nhà nhà sắm thuyền, người người sắm tàu” đi rút ruột sông Cầu.

Chỉ tính riêng xã Mai Đình đã có đến 100 con tàu lúc nào cũng chực “há mồm” hút cát.

Con sông này, trước kia vào mùa nước cạn, anh Chương cùng đám bạn còn lội qua được, thế mà bây giờ, có "các vàng" cũng chả ai dám bơi qua sông nữa. Lòng sông đã sâu đến 10m và mặt sông rộng gấp đôi, gấp ba khi trước. Và chuyện đất đai sạt lở đã trở thành hiện thực, thậm chí vô cùng dữ dội.

Mất đất, những con tằm chết dần khi không còn thức ăn trong khi đồng ruộng còn trồng lúa. Bởi thế, một số nơi ở Mai Đình, nghề tằm tơ đã không còn. Và, việc sạt lở vẫn đang tiếp diễn…

Một người dân sống phía ngoài đê, nói rằng, chị sợ chỉ vài năm nữa, mảnh đất mình đang ở cũng không cánh mà bay như mảnh đất bãi chị vẫn tăng gia trồng dâu. “Nghề tằm tơ đã đặt dấu chấm hết với tôi, chỉ còn ngôi nhà này, nếu mất thì không biết lấy đâu ra chỗ để chui ra chui vào,” chị lo lắng.

Chị cũng nói, khúc sông Cầu ngày xưa trong leo lẻo, giờ thì đục ngầu bởi hoạt động khai thác cát. Đấy là chưa kể việc dầu máy từ tàu thải ra cộng với tiếng ồn suốt ngày đêm khiến Mai Đình như một công trường sôi động.

Gian nan cuộc chiến giữ đất

Tính trung bình, mỗi tàu hút cát trọng lượng 60 tấn, trừ mọi chi phí ăn ở, thuê nhân công…, mỗi chủ tàu đút túi 2 triệu đồng/ngày. Lợi nhuận lớn nên không dễ làm các chủ tàu bỏ cuộc nếu chỉ… tuyên truyền suông, thậm chí là quy định trong hương ước làng văn hóa. Bởi thế, mấy năm trước, sa tặc hoạt động rất công khai và khúc sông dày đặc tàu bè.

Ông Đặng Văn An, phó trưởng công an xã Mai Đình tiếp chuyện phóng viên dưới tán cây đa ngàn năm tuổi cạnh bờ sông, bảo rằng, cuộc chiến giữ đất cho quê hương gian nan lắm.

Vì lợi nhuận, nhiều chủ tàu thuyền không hề biết sợ, công nhân khai thác thì thường không nghề nghiệp và khá liều lĩnh. Ông An nhớ lần đi bắt tàu của người tên là Thái ở xã Hương Lâm (Hiệp Hòa). Khi ấy, chiếc tàu này đang khai thác cát ở khúc sông chạy qua Mai Đình. Lúc lực lượng công an khóa tay chủ thuyền, bố con ông Thái đã dùng dao chặt khóa cho nhau, rồi đục thủng tàu hòng cho công an “no bụng nước”.

Nhiều trường hợp khác, khi tàu hút cát gần bờ, lực lượng an ninh bơi ra, chủ thuyền ở trên dùng sào tre, xẻng vụt rồi nổ máy chạy. “Ở khúc sông Cầu chạy qua huyện Hiệp Hòa đã ghi nhận 2 trường hợp công an xã bị thương khi chống sa tặc,” ông An nói.

Đấy là câu chuyện bắt giữa ban ngày, chứ ban đêm thì chủ tàu sẽ tắt điện và việc bắt giữ diễn ra còn phức tạp gấp bội. Nhất là khi, cả xã Mai Đình nằm dọc theo khúc sông dài hơn 9km trong khi lực lượng công an viên còn rất mỏng với 11 người.

Nhưng ông An khẳng định lãnh đạo Mai Đình đã quyết tâm khó mấy thì cũng phải “diệt” để giữ đất quê hương. Bởi thế, lực lượng công an xã phối hợp với công an huyện thường trực trên sông nên tình trạng khai thác cát ở Mai Đình gần đây đã thuyên giảm. Và, nhiều “quái vật hút cát” của người dân Mai Đình hiện đã “di cư” đi hút cát của các xã “hàng xóm.”

Hiện ở Mai Đình vẫn còn 2 điểm bị sa tặc “khai thác” là đầu và cuối xã. Thời gian gần đây, tình trạng khai thác cát ở Mai Đình lại bắt đầu tái diễn trở lại, nhất là về đêm.

Ông An khẳng định sẽ quyết tâm ngăn chặn. Lực lượng an ninh đã xây dựng kế hoạch tác chiến và sẽ tiến hành trong thời gian sớm nhất./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục