Xác định ưu tiên cho phát triển công nghiệp Việt Nam

Các chuyên gia kinh tế Việt Nam, Nhật Bản khuyến nghị các nhà làm chính sách Việt Nam cần làm rõ ưu tiên trong phát triển công nghiệp.
Ngày 14/3, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp (Bộ Công Thương) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế về “Hợp tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản nhằm xây dựng năng lực công nghiệp Việt Nam.”

Tại hội thảo, các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản tập trung phân tích và đánh giá lợi ích trong quan hệ thương mại, hợp tác đầu tư giữa hai quốc gia; đánh giá tác động đầu tư của Nhật Bản đến phát triển công nghiệp Việt Nam, đồng thời tìm ra những thách thức rào cản, cũng như những giải pháp thích hợp nhằm nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá Nhật Bản là đối tác quan trọng nhất của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp (FDI) và hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đối với ngành công nghiệp. Ba lĩnh vực lớn là công nghiệp năng lượng-công nghiệp hỗ trợ-phân phối bán lẻ là những lĩnh vực mà Việt Nam cần được hỗ trợ giúp đỡ, với những giải pháp, kinh nghiệm cụ thể để tạo ra định hướng cho những ngành kinh tế công nghiệp khác.

Theo Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Yasuaki Tanizaki, Việt Nam cần giải quyết những thách thức về phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và cải thiện thể chế, chính sách. Để phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cần có chính sách để tạo được những ngành công nghiệp trọng điểm, dẫn đầu để từ đó kéo theo các ngành công nghiệp hỗ trợ. Chìa khóa ở đây là xác định được mức độ ưu tiên để tập trung nguồn lực đầu tư.

Ông Yasuaki Tanizaki cho biết, thời hạn dỡ bỏ thuế quan ở khu vực ASEAN là năm 2018, các doanh nghiệp sẽ tìm tới những nơi có môi trường đầu tư hoàn thiện, do vậy Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt rất quan trọng đòi hỏi có chính sách thu hút đầu tư khôn ngoan, hợp với trào lưu và cạnh tranh được với các nước cũng có chiến lược dùng FDI để tăng năng lực cạnh tranh quốc tế và chuyển dịch cơ cấu công nghiệp.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, Việt Nam đã xây dựng nhiều chiến lược và kế hoạch phát triển công nghiệp, nhưng đến nay chất lượng của các chính sách cũng như năng lực công nghiệp còn thấp. Việc xây dựng chính sách công nghiệp của Việt Nam hiện còn thiếu sự phân định mức độ trọng điểm và ưu tiên trong khi nguồn ngân sách và nhân lực lại có hạn.

Chính phủ Việt Nam cần có những hành động cụ thể để hiện thức hoá các chiến lược, kế hoạch thành các hiệu quả kinh tế. Trọng tâm chính sách của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cần tập trung vào chuyển giao công nghệ từ các hoạt động FDI; tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp và nhân lực của ngành công nghiệp. Đầu tư phát triển lĩnh vực hậu cần như vận chuyển, bến bãi, cảng biển cho ngành công nghiệp. Ngoài nguồn vốn ODA thì cũng cần huy động thêm nhiều nguồn khác, nhất là phương thức hợp tác công tư (PPP).

Trong 20 năm qua, các doanh nghiệp Nhật Bản được coi là đi tiên phong trong đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến-chế tạo, vốn đang được Chính phủ Việt Nam khuyến khích. Tính đến cuối năm 2012, cả nước có 1.829 dự án đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đối với tất cả các ngành, nghề; trong đó công nghiệp giữ vị trí hàng đầu, chiếm hơn 57% tổng số dự án đầu tư./.

Hoàng Tùng-Ngọc Anh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục