Tái cơ cấu Vinashin để ổn định về tổ chức sản xuất

Việc tái cơ cấu Vinashin không nhằm mục tiêu giảm nợ mà là để duy trì và phát triển ngành công nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu biển.
Trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tình trạng thiếu điện, vấn đề tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) là hai nội dung chính được các cơ quan báo chí quan tâm tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, tổ chức chiều 2/7, tại Hà Nội.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tái cơ cấu Vinashin, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn cho biết Vinashin cũng như các doanh nghiệp khác, hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, các nguồn vốn vay đều phải sử dụng cho tốt, không hề có ưu ái.

Để xảy ra tình trạng nợ lớn của Vinashin có nguyên nhân bên ngoài từ cuộc khủng hoảng tài chính nhưng cũng có nguyên nhân bên trong do việc quản lý tài chính yếu kém mà đây mới là nguyên nhân quyết định.

Việc tái cơ cấu Vinashin không nhằm mục tiêu giảm nợ mà là để duy trì và phát triển ngành công nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu biển, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất đã và đang đầu tư, không làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, đảm bảo đời sống và việc làm cho người lao động, ông Muôn khẳng định và cho rằng Vinashin sẽ tốt lên.

Ông Muôn cũng nêu rõ việc chuyển đội tàu của Vinashin sang Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) để quản lý theo chuyên ngành sẽ tạo thêm khó khăn cho Vinalines nhưng sẽ thuận lợi hơn so với để ở Vinashin.

Nhiều dự án khác của Vinashin như Khu Công nghiệp tàu thủy Lai Vu ở tỉnh Hải Dương, Khu Công nghiệp tàu thủy Nghi Sơn ở tỉnh Thanh Hóa, Nhà máy đóng tàu Dung Quất ở tỉnh Quảng Ngãi đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng được chuyển về Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) để tiếp tục đầu tư, tránh lãng phí.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên về tình trạng thiếu điện trầm trọng trong thời gian qua và trách nhiệm của EVN về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Theo ông Phúc, năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, hạn hán liên tục, các hồ chứa đều bị cạn kiệt, trong khi cơ cấu điện thương phẩm từ thủy điện ở Việt Nam chiếm tới 42%, nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.

Mặc dù sản lượng điện sáu tháng đầu năm nay tăng 16,6%, nhưng do thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện lại tăng do đó vẫn thiếu.

“Để xảy ra tình trạng thiếu điện, có trách nhiệm của Chính phủ, của Bộ Công thương và EVN. Chúng tôi nhận khuyết điểm về việc dự báo, triển khai một số dự án chậm, điều hành quản lý tiết kiệm điện còn nhiều vấn đề nhưng cũng có phần do hoàn cảnh khách quan,” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nhìn nhận.

Liên quan đến vấn đề lãi suất, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cho biết đến thời điểm này, lãi suất huy động bình quân ở mức 11%.

Bộ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện lộ trình giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay trong quý III tới, phù hợp với cân đối vĩ mô, phục vụ mục tiêu giảm lạm phát, ổn định tăng trưởng kinh tế./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục