Tăng quyền năng nữ giới đi lao động nước ngoài

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa phụ nữ hiện chiếm tới 30% tổng số lao động di cư ra nước ngoài.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa: "Hiện phụ nữ chiếm tới 30% tổng số lao động di cư ra nước ngoài. Chính vì thế, việc tăng quyền năng cho phụ nữ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đang là vấn đề được Chính phủ ưu tiên và tích cực hợp tác để bảo vệ quyền lợi của họ trong thời gian lao động ngoài nước”.

Tiến sĩ Suzette Michell, Trưởng đại diện Quỹ Phát triển phụ nữ Liên hợp quốc (UNIFEM) tại Việt Nam cho biết: “Trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam là một quốc gia phái cử lao động quan trọng với số lượng ngày càng tăng, trong đó có phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài”.

Dễ bị thiệt thòi do “đặc thù giới” trong công việc


Trước đây, phần lớn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là nam giới. Tuy nhiên, số lượng phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài đã tăng dần trong thập kỷ qua.

Theo số liệu thống kê chính thức về lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thường xuyên hoặc có giấy tờ, trong những năm gần đây, phụ nữ chiếm từ 25-30%.

“Địa chỉ đến” thường là Indonesia, Philippines và lao động nữ Việt Nam chiếm tới 60% trong tổng số lao động nữ nước ngoài tại các quốc gia này, Tiến sĩ Suzette phân tích.

Tuy nhiên, theo đại diện UNIFEM, đến nay, các quyền cụ thể và nhu cầu của nữ lao động Việt Nam nhập cư vẫn chưa được quan tâm đúng mức và chưa được thể chế hóa trong các chính sách pháp luật và các quy định dịch vụ liên quan.

Thậm chí còn có một số báo cáo về tình trạng hoạt động thiếu chuẩn mực đạo đức của một số cơ quan tuyển dụng và sử dụng lao động tại các nước tiếp nhận.

Trong khi nữ lao động Việt Nam thường nhận những công việc mang tính “đặc thù nữ” như hộ lý, chăm sóc và giúp việc gia đình, thì theo nghiên cứu, phụ nữ là đối tượng đặc biệt dễ tổn thương do những hành vi lạm dụng tại các quốc gia nơi họ đến vì tính chất của công việc đặc thù của giới.

Các trường hợp hợp đồng có nội dung sai lệch hoặc lừa đảo cũng thường xuyên bị phát hiện. Phụ nữ cũng chưa đủ năng lực để tự kiểm soát và sử dụng số tiền tiết kiệm từ thu nhập của mình.

Chưa có vấn đề vẫn chủ động tăng quyền

Bà Tuyết Minh, Phó Chánh Văn phòng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: “Cho đến nay, phụ nữ Việt Nam khi lao động ở nước ngoài cũng chưa gặp phải vụ việc gì nghiêm trọng. Mặc dù vậy, khi xa nhà, những thiệt thòi về giới của cả nam và nữ đều không thể tránh khỏi, trong đó, nữ giới thường thiệt hơn nam giới”.

Để thực hiện việc chủ động tăng quyền này, ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: “Trong 24 tháng (từ 12/2009 đến 12/2011), Cục sẽ cùng UNIFEM thực hiện dự án Tăng quyền năng cho phụ nữ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Dự án có mục tiêu là thông tin, tri thức về các mối quan tâm về giới và di cư lao động tại Việt Nam sẽ được cải thiện và sử dụng để thông tin cho việc phát triển chính sách và cung cấp dịch vụ”.

“Dự kiến, cuối dự án, các chính sách, luật pháp và các hướng dẫn thực thi sẽ gắn bó, liên quan nhiều hơn tới các quyền của phụ nữ Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài. Việc thảo luận về tăng cường chính sách cũng sẽ được thiết lập ở các nước đến”, ông Hải nói.

“Bên cạnh đó, năng lực của các cơ quan nhà nước, tổ chức tuyển dụng và các tổ chức cộng đồng cũng sẽ được nâng cao. Việc nâng cao năng lực này nhằm tạo khả năng tiếp cận cho phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài với các quyền an ninh, kinh tế xã hội. Bản thân gia đình họ cũng sẽ tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ hỗ trợ nói trên”, bà Minh cho biết.

Việc nhà chưa được tính Một điều đáng lo ngại là khi số phụ nữ đi xuất khẩu lao động tăng thì việc giữ gìn hạnh phúc của họ sau khi trở về lại dường như chưa được quan tâm.

Bà Minh xác nhận: “Việc người phụ nữ ra nước ngoài, có điều kiện sống cao hơn sẽ khiến người phụ nữ nhận thức tốt hơn về địa vị của mình”.

Thái Bình là nơi được Trung tâm Nghiên cứu phụ nữ (Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) và Health Bridge Canada chọn làm mẫu cho nghiên cứu về tác động của xuất khẩu lao động đến cuộc sống gia đình, cách đây 2 năm cho thấy, có tới 30-40% gia đình có người đi xuất khẩu lao động bị tan vỡ hạnh phúc.

Nguyên nhân chính của sự đổ vỡ này là người chồng thiếu trách nhiệm, sống buông thả, bê tha, hoặc do sự thay đổi lối sống, quan điểm sống của người vợ sau khi đi xuất khẩu lao động về.

Qua kết quả nghiên cứu đã khẳng định, đa số các ông chồng có vợ đi xuất khẩu lao động đều có quan hệ ngoài hôn nhân do bị bạn bè lôi kéo, cô đơn, thiếu tình cảm và để giải quyết nhu cầu sinh lý.

Nghiên cứu cũng cho rằng, xuất khẩu lao động không làm tăng chất lượng các hoạt động chăm sóc và tái tạo sức lao động như kỳ vọng.

Rõ ràng, hệ lụy của xuất khẩu lao động là chức năng gia đình bị biến đổi, vai trò giới truyền thống xáo trộn, quan hệ gia đình lỏng lẻo dẫn đến tha hóa đạo đức, tệ nạn xã hội, gia đình lục đục, tan vỡ, thiếu quản lý giáo dục con cái…

Điều này, có lẽ cũng cần được quan tâm hơn khi thực hiện thúc đẩy xuất khẩu lao động cho nữ giới, vì rõ ràng mục đích cuối cùng của những chuyến đi lao động dài ngày xa nhà chính là hạnh phúc chứ không phải điều gì khác./.

(Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục