Chưa thể khởi sắc

Thị trường việc làm tại Mỹ vẫn chưa thể khởi sắc

Số công nhân Mỹ nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp ở mức trung bình 360.000 người/tuần, gần đạt mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.
Ở thời điểm cuối năm 2012, thị trường việc làm của Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, vẫn tiếp tục xuất hiện những biểu hiện căng thẳng, mặc dù tổng số công nhân bị sa thải trong cả năm là thấp nhất trong khoảng 15 năm qua.

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn báo cáo công bố ngày 3/1 của Bộ Lao động Mỹ cho biết trong tuần cuối cùng trước đợt nghỉ lễ dài ngày cuối năm 2012, trên toàn nước Mỹ có 372.000 người nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 10.000 người so với tuần trước nữa.

Như vậy, trong tuần liên tiếp gần đây, số công nhân Mỹ nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp ở mức trung bình 360.000 người/tuần, gần đạt mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Trong 11 tháng đầu năm 2012, trung bình mỗi tháng nền kinh tế Mỹ tạo ra 151.000 việc làm mới, chưa đủ mạnh để hạ tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức khá cao. Tổng số việc làm bị cắt giảm là 523.362, mức thấp nhất kể từ năm 1997.

Các ngành có số lượng việc làm bị cắt giảm ít nhất gồm xây dựng, bán lẻ, hàng không vũ trụ và công nghiệp quốc phòng. Ngành có nhiều việc làm bị cắt giảm vẫn thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Khu vực kinh tế tư nhân vẫn đi đầu trong việc tạo ra việc làm.

Trong tháng 12, khu vực này đã tạo ra được tổng cộng 215.000 việc làm mới so với 148.000 việc làm trong tháng 11.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng 11/2012 là 7,7% so với 7,9% trong tháng 10. Tổng số công nhân Mỹ không có công ăn việc làm hiện ở mức hơn 12 triệu người.

Tỷ lệ thất nghiệp cao là một trong những lý do khiến Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong các cuộc họp định kỳ cuối năm 2012 nhiều lần nhấn mạnh sẽ duy trì gói cứu trợ thứ 3 (QE3), theo đó mỗi tháng tung vào thị trường 45 tỷ USD để mua lại các trái phiếu có liên quan tới thế chấp nhằm hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế và hạ tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 6,5%./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục