Hỗ trợ kịp thời để đảm bảo thanh khoản ngân hàng

Ông Nguyễn Văn Giàu khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ kịp thời để đảm bảo an toàn thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.
Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 2/4, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định: Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ kịp thời để đảm bảo khả năng an toàn thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.

Liên quan đến vấn đề này, có thông tin cho rằng "thanh khoản của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, lãi suất đang có vấn đề" và nhiều lo ngại mặt bằng lãi suất sẽ bị đẩy cao khi triển khai thỏa thuận lãi suất, doanh nghiệp khó tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng.

Tuy nhiên, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương đã nhấn mạnh, chính sách tiền tệ đang được điều hành linh hoạt và Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để ổn định lãi suất thị trường theo xu hướng giảm dần.

- Thưa Thống đốc, có ý kiến cho rằng thanh khoản của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, lãi suất đang có vấn đề nhưng các biện pháp chưa đạt hiệu quả cao, Thống đốc nhận định về vấn đề này như thế nào?

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chưa vững chắc, rủi ro hệ thống tài chính vẫn có nguy cơ xảy ra; kinh tế trong nước phục hồi nhưng có nhiều thách thức và khó khăn, áp lực đối với tín dụng ngân hàng vẫn còn lớn.

Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng thương mại nước ta chưa đồng đều, chỉ có vài ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán, có chênh lệch lớn về quy mô, có ngân hàng tổng tài sản gần 500.000 tỷ đồng, một số ngân hàng quy mô nhỏ, tổng tài sản chỉ vài ngàn tỷ đồng, nhưng chịu sự chi phối và điều chỉnh chung bởi một hệ thống văn bản pháp luật.

Trong thời gian cuối năm 2009 và dịp Tết Nguyên đán Canh Dần, các ngân hàng thương mại gặp khó khăn về thanh khoản do một số ngân hàng thương mại dự trữ thanh toán thấp và tổ chức kinh tế, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội rút khoảng 60.000 tỷ đồng để giải ngân theo tính quy luật hàng năm. Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ kịp thời để đảm bảo khả năng an toàn thanh khoản. Vào những ngày giáp Tết, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ các ngân hàng thương mại lên đến 70.000 tỷ đồng nhưng rút dần về sau Tết Nguyên đán.

Có ý kiến phê bình chúng tôi do không bơm mạnh thêm lượng tiền cung ứng trong tháng 1 và 2 nên thanh khoản và tín dụng tăng chậm, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Nhưng có ý kiến đánh giá nếu bơm tiền cung ứng mạnh thêm trong hai tháng đầu năm sẽ tác động mạnh làm tăng chỉ số giá tiêu dùng và có thể cao hơn 4,12%.

Trong quý I/2010, tổng phương tiện thanh toán và tín dụng có xu hướng tăng dần, tín dụng tăng 3,34%. Huy động vốn đang có xu hướng tăng trở lại, đến cuối tháng 3 tăng 3,8% so với cuối năm 2009, đặc biệt là tiền gửi của dân cư tăng 9,2% cho thấy người dân tin tưởng vào hệ thống ngân hàng. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng là 3,34% so cuối năm 2009, tương ứng với quý I cùng kỳ các năm diễn biến bình thường (quý I/2006 tăng 0,9%, quý I/2007 tăng 4,51%).

Đối với lãi suất, chúng ta áp dụng lãi suất cơ bản đúng theo Bộ luật Dân sự và Luật Ngân hành Nhà nước, nhưng thị trường thì phải theo quan hệ cung-cầu. Bất cập này cùng với việc chưa điều chỉnh kịp thời các quy định của pháp luật, công tác thanh tra, giám sát đạt hiệu quả chưa cao, gây nên sự thiếu minh bạch trong khuyến mại huy động vốn, thu phí cho vay.

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ “về những giải pháp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%”, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai các giải pháp điều hành lãi suất thỏa thuận phù hợp với cơ chế thị trường.

- Nếu thực hiện cơ chế cho vay ngắn hạn bằng VND theo lãi suất thỏa thuận, huy động vốn do cạnh tranh có thể gây ra lãi suất tăng cao không thưa Thống đốc?

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: Hiện nay, lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại đang ở mức cao, xét theo lãi suất thực dương và khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước đã và đang thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để ổn định lãi suất thị trường theo xu hướng giảm dần như tích cực hỗ trợ thanh khoản đối với ngân hàng thương mại với kỳ hạn dài hơn, khối lượng lớn hơn so với trước đây, hỗ trợ thông qua tái cấp vốn và hoán đổi ngoại tệ, chỉ đạo các Ngân hàng thương mại Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong cung ứng vốn và điều chỉnh lãi suất giảm dần phù hợp diễn biến nền kinh tế.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát huy mạnh mẽ và động viên tích cực các ngân hàng hội viên góp phần quan trọng trong việc ổn định, phát triển hệ thống ngân hàng. Tôi tin chắc các ngân hàng thương mại Việt Nam, với ý thức chính trị của mình hoạt động vì lợi ích chung của đất nước, trong đó có lợi ích của ngân hàng mình; các ngân hàng nước ngoài, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh luôn luôn đồng thuận chính sách của Chính phủ; hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy hoạt động tốt đẹp này.

- Thưa Thống đốc, hiện nay vấn đề tỷ giá, thị trường ngoại hối, sàn vàng cũng là những vấn đề được dư luận quan tâm, Thống đốc đánh giá về những vấn đề này như thế nào?

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: Như chúng ta đã biết, sau khi điều chỉnh tỷ giá, các tổ chức tín dụng được giao dịch tối đa 19.100 VND/USD và những biện pháp Chính phủ yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước bán ngoại tệ cho ngân hàng thương mại, kêu gọi các doanh nghiệp, người dân dùng hàng Việt Nam.

Đến nay, diễn biến thị trường ngoại tệ theo chiều hướng tích cực, nhiều ngân hàng thương mại đã cân đối được ngoại tệ. Chúng tôi rất hoan nghênh quyết tâm chính trị của tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, các doanh nghiệp đồng thuận và chấp hành tuyệt đối ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.

Các doanh nghiệp đã bán ngoại tệ cho các ngân hàng, tạo điều kiện tăng thanh khoản trên thị trường ngoại hối, những ngày gần đây dân cư cũng bắt đầu cân nhắc việc bán ngoại tệ lấy tiền đồng gửi vào ngân hàng, sức ép tăng tỷ giá được giải tỏa.

Theo Nghị quyết của Chính phủ, tới đây Bộ Công thương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính sẽ có giải pháp mạnh mẽ để kiểm soát nhập siêu và chính sách khuyến khích xuất khẩu... Chúng tôi tiếp tục kiểm tra chặt chẽ việc bán ngoại tệ của ngân hàng thương mại, nếu không phù hợp với chủ trương Chính phủ thì sẽ xem xét xử lý nghiêm minh, kịp thời.

Đối với sàn vàng, như chúng ta biết các ngân hàng thương mại đã chấp hành nghiêm chỉnh đóng cửa đúng thời gian quy định, việc gia hạn thêm 3 tháng là do qua thực tiễn có một số ngân hàng còn trạng thái mở tương đối lớn, nên phải có thêm thời gian tất toán tài khoản. Mấy ngày qua có vài thông tin một số doanh nghiệp hoạt động sàn vàng (doanh nghiệp không thuộc ngân hàng thương mại) chuyển sang hình thức khác, báo chí gọi là “biến tướng”, chúng tôi sẽ phối hợp các ngành hữu quan kiểm tra nếu có thì xử lý theo pháp luật.

Về huy động vàng tại các ngân hàng thương mại theo đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên rất rủi ro. Gần đây các ngân hàng thương mại đã hạ lãi suất huy động gần bằng 0%, Ngân hàng Nhà nước cũng nghiên cứu theo hướng không cho phép chuyển đổi vốn huy động bằng vàng sang tiền đồng và có thể không thực hiện hoạt động huy động và cho vay bằng vàng vì hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đối với diễn biến giá vàng, chúng tôi đã có nhiều giải pháp, trong đó có cả việc phối hợp với một số doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn, đã rút ngắn khoảng cách từ chênh lệch gần 2 triệu đồng/lượng xuống còn vài trăm ngàn đồng/lượng, tiếp tục áp dụng các giải pháp để cơ bản giá trong nước và quốc tế tương đồng nhau. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ký ban hành Nghị định quản lý và kinh doanh vàng trong thời gian tới.

Xin cảm ơn Thống đốc!

P.V (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục