Cược sinh mạng với nhà đổ

Những người đánh cược sinh mạng với nhà đổ

Đã gần 4 tháng kể từ ngày khu nhà cổ 148 – 150 phố Sơn Tây bất ngờ sụp mái, nhưng vẫn còn 3 hộ dân “kiên gan” bám trụ.
Đã gần 4 tháng kể từ ngày khu nhà cổ số 148 – 150 phố Sơn Tây, phường Kim Mã, Hà Nội bất ngờ sụp mái, nhưng công tác di chuyển các hộ dân tới khu tái định cư vẫn chưa được hoàn tất. 3 hộ dân còn lại vẫn “kiên gan” bám trụ cùng nhà đổ.

Sống giữa “nhà hoang”

Sự việc đã xảy ra đã lâu, nhưng người dân xung quanh vẫn chưa hết bàng hoàng. Ông Đặng Huy Quảng sống ở số nhà 146 gần đó kể lại: khoảng 15 giờ chiều 19/5, tầng hai của khu nhà này bỗng dưng bị sụt mái. Gạch vữa đổ xuống phủ kín cả các hộ sống xung quanh.

Ngay lập tức, chính quyền đã yêu cầu 20 gia đình sống trong khu vực này di chuyển đến chỗ ở mới. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vẫn còn 3 hộ dân “kiên gan” bám trụ lại với căn hộ của mình.

Có mặt tại hiện trường, theo quan sát của PV Vietnam+, toàn bộ đường vào ngõ 148 Tây Sơn đã được rào lại kín mít bằng barie. Nhìn từ bên ngoài, không mấy ai nghĩ vẫn còn người sinh sống trong tòa nhà.

Mọi hoạt động ra vào khu vực này cũng bị kiểm soát khá gắt gao. Một bảo vệ đã được thuê “án ngữ” ngay sau hàng rào nhằm ngăn những người không có trách nhiệm ra vào vùng nguy hiểm.

Đi qua ngõ, đập vào mắt chúng tôi là dãy nhà đổ nát, gạch vữa rơi tứ tung. Nhiều chỗ, rêu cỏ đã mọc dầy. Tuy nhiên, chỉ cần lên đến tầng 2, quang cảnh đã hoàn toàn khác biệt. Một dãy dài quần áo mới giặt được phơi phóng đầy trên “tàn tích” của khu nhà cũ.

Tiếp xúc với phóng viên, ông Tăng Hữu Hưng, chủ nhân của 1 trong 3 căn hộ chưa chịu di chuyển cho biết: “Từ khi có hoạt động tháo dỡ tòa nhà, toàn bộ điện, điện thoại, nước sinh hoạt và Internet của gia đình tôi đã bị cắt”.

Để sinh hoạt bình thường, ông Hưng buộc phải “câu” điện từ nhà bên cạnh để… dùng tạm.

Thiếu thốn đủ thứ là thế, nhưng ông Hưng vẫn khẳng định: Gia đình ông sẽ bám trụ lại đến cùng mặc dù, toàn bộ dãy nhà phía sau của gia đình này đã bị tháo dỡ, gạch vữa ngổn ngang. Thậm chí, dãy lan can tầng 2 cũng đã nghiêng lún và chỉ chờ ngày “đổ sập”.

Lý do ông Hưng đưa ra là: nhà của ông vẫn chắc chắn và không thuộc diện nhà nguy hiểm. Nếu có vấn đề gì xảy ra, gia đình cũng sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm.

“Mức đền bù chưa hợp lý cũng là một nguyên nhân nữa khiến chúng tôi chưa thể di dời”, ông Hưng nói thêm.

Điều đáng nói hơn, trong số 3 hộ nói trên, có tới 2 hộ vẫn đang tiến hành kinh doanh quần áo và dịch vụ cắt tóc một cách bình thường. Khách hàng ra vào tương đối nhộn nhịp. Hàng ngày, người dân xung quanh vẫn hết sức lo lắng cho sự an toàn của chính bản thân mình.

Sẽ bắt buộc di dời

Về vấn đề này, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Đặng Thành Công, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Kim Mã. Ông Công cho biết: Mục đích của việc di dời là nhằm đảm bảo tính mạng cũng như tài sản cho người dân sống ở khu vực này.

Bên cạnh đó, thực hiện quyết đinh số 2430/QĐ – UBND của thành phố về việc tổ chức di dời các hộ dân, phường cũng đã đề nghị chủ đầu tư (Công ty Cổ phần Phòng cháy chữa cháy và Đầu tư Xây dựng Sông Đà) sớm cho triển khai tháo dỡ những phần nguy hiểm còn lại của tòa nhà sập mái.

Hiện, đã có 17/20 hộ dân sống tại tòa nhà này được di chuyển về khu vực tái định cư ở phường Đại Kim và phường Vĩnh Phúc thành phố Hà Nội.

“Đối với các hộ dân cố gắng 'bám trụ' lại, chúng tôi sẽ buộc phải cưỡng chế”, ông Công khẳng định.

Cụ thể, trong thời gian sắp tới, Ủy ban nhân dân phường Kim Mã sẽ tổ chức cuộc họp với đại diện của 3 gia đình nói trên. Những thắc mắc về việc đền bù, hỗ trợ cũng như các vấn đề liên quan khác cũng sẽ được giải đáp. Nếu các hộ dân vẫn cố tình không chấp hành, công tác cưỡng chế di dời bắt buộc sẽ phải diễn ra.

Trong khi chờ đợi, những hộ dân sống liền kề vẫn phải nơm nớp lo cho sự an toàn của chính bản thân mình./.

Sơn Bách (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục