Cần cấm hành nghề luật sư với người từng phạm tội

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tán thành với ý kiến của Ủy ban Tư pháp là nên cấm hành nghề luật sư với người đã từng phạm tội.
Tiếp tục chương trình phiên họp, chiều 12/4, Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.

Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư nêu rõ qua tổng kết thực tiễn 5 năm thi hành, Luật Luật sư đã đi vào cuộc sống và mang lại nhiều kết quả.

Về cơ bản, các quy định Luật Luật sư là đúng hướng và đa phần vẫn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, có nhiều quy định tiếp cận với thông lệ hành nghề luật sư quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tổ chức và hoạt động luật sư ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế.

Chất lượng của đội ngũ luật sư tuy đã được nâng lên một bước, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp; số luật sư có trình độ đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế chỉ chiếm khoảng 1,2%. Công tác quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư ở một số địa phương còn lỏng lẻo, hiệu lực, hiệu quả chưa cao, có sự trùng dẫm nhất định giữa quản lý nhà nước với chế độ tự quản của tổ chức xã hội- nghề nghiệp của luật sư…

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến các hạn chế, bất cập trên là do một số quy định của Luật Luật sư đã không còn phù hợp với thực tiễn.

Dự án Luật dự kiến sửa đổi 28 điều, bổ sung 2 điều và bỏ 3 điều trên tổng số 94 điều của Luật Luật sư hiện hành tập trung vào 4 nhóm quy định.

Nhóm 1: Tiêu chuẩn trở thành luật sư, điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư; nghĩa vụ của luật sư, trách nhiệm của tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức xã hội-nghề nghiệp của luật sư trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp của luật sư.

Nhóm 2: Thủ tục tham gia tố tụng của luật sư; thủ tục hành chính trong việc cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, gia nhập Đoàn luật sư, cấp Thẻ luật sư; quyền của luật sư trong hành nghề; mở rộng đối tượng được hành nghề luật sư.

Nhóm 3: Địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư Việt Nam, phân định rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước và chế độ tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư trong quản lý luật sư và hành nghề luật sư. Nhóm 4: Điều kiện và phạm vi hành nghề của luật sư nước ngoài, tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật của Ủy ban Tư pháp tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư. Các nội dung được sửa đổi, bổ sung là những vấn đề cấp thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện chế định luật sư theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển cả về số lượng và chất lượng đội ngũ luật sư Việt Nam.

Bàn về quy định cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư tại điểm a, khoản 4, Điều 17 dự án Luật có những quan điểm khác nhau. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu xem xét lại quy định này vì quy định dự dự thảo sẽ tạo ra ngoại lệ không phù hợp với định hướng xây dựng đội ngũ luật sư chuyên nghiệp.

Đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng số viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật là đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn pháp lý cao, nhiệm vụ chủ yếu và quan trọng của họ là đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống các cơ quan tư pháp và toàn xã hội.

Việc hành nghề luật sư thường gắn liền với hoạt động tố tụng, trong khi đó hoạt động giảng dạy phải tuân thủ quy định chặt chẽ về thời gian. Do đó, việc cho phép nhóm đối tượng này được kiêm nhiệm hoạt động cả hai lĩnh vực sẽ khó bảo đảm chất lượng công việc. Không đồng tình với lập luận này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển lý giải lực lượng giảng viên có kết hoạch và thời gian giảng dạy cụ thể, chính vì thế họ có thể sắp xếp được công việc để tham gia hành nghề luật sư. Hơn thế nữa, đại biểu cho rằng giảng viên rất cần thực tiễn và việc tham gia bào chữa cho họ kinh nhiệm để giảng dạy tốt hơn.

Về quy định các trường hợp bị xử lý hình sự không được hành nghề luật sư, Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng không cấm người phạm tội nghiêm trọng trong trường hợp đã được xóa án tích được hành nghề luật sư, nhằm tạo cơ hội cho những người này hướng thiện và có cơ hội hành nghề.|

Thảo luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tán thành với những lập luận của Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, với tính đặc thù của hoạt động luật sư, ngoài những đòi hỏi cao về kiến thức chuyên môn, thì tư cách đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp và uy tín của luật sư trong đời sống xã hội là yếu tố rất quan trọng. Do vậy, việc quy định cấm hành nghề luật sư đối với người đã từng phạm tội trong những trường hợp nhất định là cần thiết, tạo cơ sở để hình thành một đội ngũ luật sư vừa hồng vừa chuyên, góp phần bảo vệ pháp chế, bảo vệ công lý.

Đối với thẩm quyền cấp Thẻ luật sư, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và nhiều ý kiến tán thành với quan điểm giao cho Liên đoàn luật sư Việt Nam cấp Thẻ nhằm bảo đảm thống nhất trong quản lý luật sư và hành nghề luật sư, phù hợp với vai trò tự quản của tổ chức này như quy định hiện hành.

Tại phiên họp, các đại biểu đã cho ý kiến về các nội dung điều kiện được miễn đào tạo nghề; miễn, giảm tập sự nghề luật sư; quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư; mở rộng diện đối tượng được yêu cầu luật sư bào chữa…/.

Quỳnh Hoa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục