Bình đẳng giới là một trong các nhiệm vụ trọng tâm

Đẩy mạnh việc xây dựng cơ chế chính sách thực hiện Luật, Chiến lược, Chương trình Quốc gia về bình đẳng giới là một nhiệm vụ trọng tâm.
Đẩy mạnh việc xây dựng cơ chế chính sách thực hiện Luật, Chiến lược, Chương trình Quốc gia về bình đẳng giới là một trong các nhiệm vụ trọng tâm do Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đề ra trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2012 tổ chức tại Hà Nội, ngày 10/1.

Ủy ban đã phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Kế hoạch hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015; xây dựng và ban hành hướng dẫn về cơ chế quản lý, phân bổ kinh phí thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới; xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ của phụ nữ; phối hợp đánh giá việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng các Văn bản quy phạm pháp luật; xác định và bố trí đủ biên chế công chức làm công tác bình đẳng giới như đã được quy định tại Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015.

Ủy ban tập trung xây dựng trình Chính phủ ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định về quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ, tỷ lệ nữ để bổ nhiệm các chức danh trong các cơ quan nhà nước; rà soát, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định về tuổi bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ cán bộ, công chức, viên chức…

Các bộ, ngành, thành viên Ủy ban tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới hoạt động truyền thông, giáo dục về công tác bình đẳng giới; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động thông tin, báo chí, xuất bản có nội dung định kiến giới; thực hiện tiểu đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (giai đoạn 2010 -2015).

Triển khai thực hiện Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2015 đã được phê duyệt; xây dựng và trình ban hành chính sách hỗ trợ chăm sóc y tế cho một số phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt cư trú ở vùng sâu, vùng xa, đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số…; tuyên truyền phổ biến, giáo dục, vận động thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đồng bào dân tộc thiểu số; hướng dẫn thực hiện mô hình thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới tại 30 xã, phường, thị trấn ở miền núi, vùng cao cho đồng bào dân tộc thiểu số; vận động đồng bào phát huy các phong tục, tập quán và truyền thống tốt đẹp của dân tộc phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới.

Tại Hội nghị, các thành viên Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ nhấn mạnh yêu cầu phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc đôn đốc, triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 và Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nghiên cứu, đánh giá tác động của hệ thống thể chế, chính sách đối với cán bộ nữ; khảo sát, đánh giá thực trạng đội ngũ nữ cán bộ quản lý, nữ lãnh đạo các cấp và công tác cán bộ nữ từ Trung ương đến địa phương; hỗ trợ nâng cao năng lực cho các cơ quan ở Trung ương có trách nhiệm trong công tác hoạch định, tổ chức triển khai các chính sách tác động trực tiếp đến công tác cán bộ nữ.

Hội nghị cũng khẳng định trong năm qua, về cơ bản Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra, góp phần tác động tích cực đến việc thúc đẩy bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ trong cả nước.

Các bộ, ngành địa phương đã thực sự vào cuộc, tiêu biểu là việc tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; kiện toàn và củng cố bộ máy hoạt động Vì sự tiến bộ của phụ nữ với sự hợp lực của các cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới từ Trung ương đến cơ sở, tạo thuận lợi cho sự vận hành mang tính hệ thống.

Tuy nhiên, trong hoạt động Vì sự tiến bộ của phụ nữ vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế như, ý thức, trách nhiệm về công tác bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ của một số đơn vị, địa phương chưa cao; vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội, đặc biệt là trong quản lý, lãnh đạo còn hạn chế.

Nhiều nơi chưa bố trí biên chế chuyên trách cho công tác Vì sự tiến bộ của phụ nữ; chưa thực hiện đúng quy chế về báo cáo định kỳ; một số thành viên chưa tham gia đầy đủ các hoạt động, trong đó có việc tổ chức kiểm tra các hoạt động Vì sự tiến bộ của phụ nữ…/.

Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục