Tập đoàn tài chính Nhật xâm nhập thị trường Mông Cổ

Quỹ đầu tư Nhật Bản xâm nhập thị trường Mông Cổ

Việc tập đoàn tài chính Orix mua lại cổ phiếu của TGF nằm trong chiến lược xâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường Mông Cổ của Nhật Bản.
Tập đoàn dịch vụ tài chính hàng đầu Nhật Bản Orix đã đạt được thỏa thuận mua lại 16% cổ phiếu từ tập đoàn tài chính lớn nhất Mông Cổ là TenGer Financial Group (TFG).

Thương vụ này được coi như một phần trong chiến lược thâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường Mông Cổ, sau chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tới quốc gia Trung Á này hồi tháng Ba vừa qua, bước đi nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc tới các nước trong khu vực.

Được thành lập vào năm 2001, TFG là một công ty dịch vụ tài chính lớn nhất Mông Cổ, cung cấp dịch vụ ngân hàng, cho thuê tài chính, bảo hiểm và đầu tư. Ngân hàng Xac Bank thuộc TFG là ngân hàng thương mại lớn thứ tư của Mông Cổ tính về mặt tài sản và có một cơ sở khách hàng rất mạnh gồm chủ yếu các doanh nghiệp khai mỏ.

Trong bối cảnh thị trường dịch vụ tài chính Mông Cổ được dự báo sẽ tiếp tục phát triển, TFG đang mở rộng hoạt động sang nhóm tài chính tổng hợp trong khi tiếp tục củng cố hoạt động cho thuê tài chính và bảo hiểm.

Thông qua việc tham gia đầu tư tài chính vào TGF, ORIX muốn mở rộng hoạt động vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ tài chính ở Mông Cổ với tư cách là đối tác chiến lược. ORIX sẽ cân nhắc việc mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh mới như cho vay qua thẻ tín dụng và dịch vụ ngân hàng qua Internet. Công ty sẽ sử dụng những kinh nghiệm của mình để mở rộng và tăng cường hoạt động kinh doanh đang có của TFG.

Tăng trưởng của ngành công nghiệp khai khoáng và nông nghiệp của Mông Cổ hiện đang đạt tốc độ cao với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thường niên dự báo sẽ đạt mức 20% trong vòng 5 năm tới. Mông Cổ hiện đang là một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới.

Là một trong số ít nước trên thế giới có nguồn khoáng sản phục vụ khai mỏ lớn, chính quyền Mông Cổ cũng đang triển khai hàng loạt chính sách cho phép sử dụng vốn của tư nhân, bao gồm vốn từ nước ngoài. Dự báo các thị trường công nghiệp cơ bản ở đây sẽ phát triển mở rộng nhanh, kết quả của việc phát triển cơ sở hạ tầng để phục vụ vận chuyển các nguồn khoáng sản tự nhiên, thu được từ hoạt động khai mỏ và nông nghiệp.

Mông Cổ có quan hệ ngoại giao với Triều Tiên và giáp với Nga và Trung Quốc, vì vậy Tokyo coi nước này có vị trí quan trọng trong chính sách ngoại giao và an ninh khu vực.

Hiện Nhật Bản chính là nhà tài trợ lớn nhất của Mông Cổ và là đối tác thương mại lớn thứ tư của nước này sau Trung Quốc, Nga và Mỹ, theo số liệu năm 2012./.


Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục