Phát triển nguồn nhân lực du lịch gắn giảm nghèo

Người dân nghèo trên khắp mọi miền đất nước, từ Sa Pa cho tới Phú Quốc đã có việc làm, nguồn thu nhập từ các chương trình du lịch cộng đồng.
"Phát triển nguồn nhân lực du lịch gắn với giảm nghèo - vùng đất cần sự khai phá" là chủ đề Hội nghị du lịch thường niên lần thứ 4 do Dự án phát triển nguồn nhân lực Việt Nam (Tổng cục Du lịch) tổ chức ngày 23/9 tại Hà Nội.

Khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng nhấn mạnh, hội nghị du lịch thường niên lần này là bước nối tiếp thành công của 3 lần Hội nghị trước diễn ra tại Hà Nội (2005), Đà Nẵng (2006), Thành phố Hồ Chí Minh (2008).

Chủ đề của hội nghị lần này đề cập tới khía cạnh du lịch đem lại lợi ích, việc làm, thu nhập cho người dân, đặc biệt là những người ở vùng nghèo khó, người chưa có việc làm và hướng tới phát triển du lịch bền vững. Đây cũng là hành động kích cầu nhằm giảm thiểu những tác động bất lợi của cuộc suy thoái kinh tế đối với sự phát triển của đất nước.

Trong giai đoạn 2000 - 2008, thu nhập xã hội từ du lịch tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của khách quốc tế, nội địa và mang lại nhiều việc làm cho xã hội.

Đến năm 2008, tổng số lao động trực tiếp và gián tiếp của ngành du lịch là trên 1 triệu người, chiếm 10% trong khu vực dịch vụ và 4% số lao động của cả nước. Năm 2008, doanh thu ngoại tệ từ xuất khẩu dịch vụ du lịch chỉ đứng sau xuất khẩu dầu thô, dệt may, giày dép, thủy sản.

Theo đánh giá của các chuyên gia, lao động trong ngành du lịch có thu nhập tương đối cao và tạo ra năng suất lao động khá lớn. Sự phát triển của du lịch đã góp phần không nhỏ và việc giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội của đất nước.

Ông Johann Farnhammer, Bí thư thứ nhất, Trưởng ban hợp tác kinh tế và quản trị công của Phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Việt Nam cho biết, Liên minh châu Âu đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện dự án phát triển nguồn lực du lịch, đặc biệt là gắn với công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Người dân nghèo trên khắp mọi miền đất nước, từ Sa Pa cho tới Phú Quốc đã có việc làm, nguồn thu nhập từ các chương trình du lịch cộng đồng. Các mô hình du lịch cộng đồng cũng góp phần bảo tồn, phát huy giá trị các khu di tích, phát triển các sản phẩm du lịch địa phương.

Dự án phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam do Liên minh châu Âu tài trợ nhằm giúp Việt Nam nâng cao tiêu chuẩn và chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch trong giai đoạn 2004 - 2010.

Hội nghị sẽ diễn ra đến hết ngày 25/9 với mục tiêu chính là phân tích những đóng góp của công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đối với việc xóa đói giảm nghèo.

Trên cơ sở đó đề xuất các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực nhằm tiếp tục tăng cường đóng góp hiệu quả của du lịch vào công cuộc xóa đói giảm nghèo thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục