Đại học quốc gia TP.HCM: Đào tạo gắn với nhu cầu

Đoàn giám sát Quốc hội khảo sát Đại học Quốc gia TP.HCM biểu dương việc đào tạo nhân lực, hình thành Khu Đô thị Đại học hiện đại.
Ngày 29/1, đoàn giám sát Quốc hội do giáo sư, tiến sĩ Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội làm trưởng đoàn đã khảo sát tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và các trường Đại học thành viên.

Đánh giá cao mô hình phát triển của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu Quốc hội cũng biểu dương những thành tích đạt được của trường thời gian qua trên các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hiệu quả cao, hình thành diện mạo một Khu Đô thị Đại học hiện đại...

Theo giáo sư, tiến sĩ  Đào Trọng Thi, mô hình Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là một mô hình Đại học đặc thù, có thể xem là một bước đổi mới mang tính đột phá trong giáo dục Đại học ở Việt Nam. Trong đó, các trường Đại học thành viên như Đại học Bách khoa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc tế và Đại học Khoa học Xã hội &Nhân văn đã có những bước phát triển vượt bậc dựa trên thế mạnh của từng trường.

Giáo sư, tiến sĩ  Phan Thanh Bình, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu xã hội là một trong những khâu đột phá của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua.

Tận dụng lợi thế nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của đất nước, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng được mạng lưới liên kết với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia công tác đào tạo, qua đó đã tạo được cầu nối bền vững, gắn kết giữa nhà trường-doanh nghiệp và sinh viên lại với nhau nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội.

Khảo sát tại các trường đại học thành viên, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến các vấn đề về chất lượng tuyển sinh đầu vào; tỷ lệ sinh viên/giảng viên, công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu; kinh phí dành riêng đầu tư cho nghiên cứu khoa học; các khoản chi từ nguồn thu học phí và tỷ lệ sử dụng ngân sách.

Theo giáo sư, tiến sĩ  Nguyễn Minh Thuyết, tỷ lệ sinh viên/giảng viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là khá lý tưởng với gần 13% chỉ tính riêng giảng viên cơ hữu. Vấn đề quan tâm là thu nhập của các giảng viên, cán bộ công nhân viên cũng như chính sách thu hút nhân tài tham gia công tác đào tạo và quản lý.

Trong báo cáo, trong hệ thống Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc tế là môi trường lý tưởng và hấp dẫn đối với các giảng viên và công nhân viên. Thu nhập bình quân của một giáo sư tham gia giảng dạy tại Đại học Quốc tế là trên 23 triệu đồng/tháng, thấp nhất là lương trợ giảng với 7 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, vấn đề mà các đại biểu lo ngại ở Đại học Quốc tế là tuyển sinh đầu vào làm sao để có thể vừa đảm bảo chất lượng, vừa tuyển đủ chỉ tiêu.

Hiệu trưởng Hồ Thanh Phong cho biết Đại học Quốc tế áp dụng quy chế tuyển sinh 3 chung của Bộ Giáo dục&Đào tạo, điểm trung bình đầu vào của các thí sinh trên 20 điểm với 3 môn.

Ngoài ra, các thí sinh còn phải thi sát hạch Tiếng Anh theo chuẩn quốc tế (TOFEL trên 400 điểm)./.

Hữu Duyên (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục