Tác động của việc ECB hạ lãi suất xuống mức thấp

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất xuống mức thấp lịch sử nhằm khuyến khích vốn vay giữa các ngân hàng với nhau.
Ngày 5/7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định hạ lãi suất chủ chốt 0,25 điểm phần trăm xuống 0,75%. Đây được coi là một bước đi lịch sử, vì lần đầu tiên lãi suất trong Khu vực đồng euro (Eurozone) được hạ xuống dưới 1%.

Với một mức lãi suất thấp hơn, ECB hy vọng sẽ có thể khuyến khích vốn vay giữa các ngân hàng với nhau, trong tình trạng vốn đưa vào các ngân hàng thương mại dạng ngắn hạn đang chịu mức lãi suất 0,3%.

Chủ tịch ECB, ông Mario Draghi, nói rằng Eurozone có nguy cơ sẽ tăng trưởng rất ít, hoặc hoàn toàn không tăng trưởng trong quý 2 năm nay, nhưng sẽ có thể phục hồi một phần nào vào cuối năm nay.

Thông thường nếu lãi suất hạ, nền kinh tế có sức bật để vươn lên, vì khi lãi suất thấp, việc vay tín dụng sẽ thuận lợi hơn, rẻ hơn, vì vậy người ta sẽ mua nhiều hơn, xây dựng nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn. Nhưng bây giờ thì không bình thường vì lãi suất mặc dù thấp chưa từng có, nhưng nỗi sợ hãi đang ngự trị trong các ngân hàng. Và ở nơi nào nỗi sợ hãi chi phối, thì ở đó người ta tiết kiệm.

Trong tháng 12 năm ngoái và tháng hai vừa qua, ECB đã mời chào cho vay một số lượng lớn tiền mặt với những điều kiện đặc biệt thuận lợi, với lãi suất chỉ 1% và thời gian cho vay tới 3 năm. Các ngân hàng đổ xô tới vay tổng cộng tới gần một 1.000 tỷ euro. Nhưng ngay sau đó, hàng trăm tỷ euro đã được đưa lại vào ECB để gửi. Ngay khi đó, các nhà buôn đã ghi nhận: "Nhu cầu tiền mặt của các ngân hàng đã quá đủ. Vấn đề là đồng tiền không chuyển từ A tới B. Nó bị vướng mắc trong việc phân chia lại."

Thái độ của các ngân hàng thương mại lại càng kỳ lạ hơn, khi họ chỉ nhận được 0,25% lãi suất hoặc hoàn toàn không có lãi suất, nếu họ gửi tiền ở ECB. Lãi suất đó thấp hơn nhiều so với việc họ phải trả lãi suất tín dụng. Như vậy, họ bị lỗ thực sự nếu gửi tiền ở ECB. Tuy nhiên, hiện nay họ vẫn đang gửi trên 800 tỷ euro ở ECB, thay vì cho nhau vay hoặc cho khách hàng vay.

Cũng tương tự như vậy với việc hạ lãi suất. Các ngân hàng mặc dù giảm được gánh nặng, nhưng các khách hàng, doanh nghiệp cũng như cá nhân hầu như không được hưởng lợi gì.

Ông Torsten Schmidt của Viện Nghiên cứu kinh tế nhận xét: "Trong nền kinh tế, sự mất an toàn quá lớn, nên việc giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm sẽ không thể gây ra sự bùng nổ đầu tư. Trong ngành xây dựng đã có sự phát triển mạnh thì giảm lãi suất đi một chút cũng chẳng có tác động gì."

Hậu quả là ECB bị đe dọa sẽ mất uy tín, vì ngày càng thấy rõ là trong cuộc khủng hoảng hiện nay, họ hầu như không gây tác động gì được cả, ít nhất là với những công cụ mà họ thường sử dụng. Thay vì điều đó, ECB lại làm một điều rất nguy hiểm, là họ thay thế các ngân hàng và công ty bảo hiểm trong vai trò nhà đầu tư. Họ đảm nhận những nguy cơ rủi ro, mà bình thường kinh tế tư nhân phải gánh chịu.

Những từ ngữ lớn như "bước đi lịch sử" và "lãi suất thấp kỷ lục" cuối cùng chỉ là tín hiệu cho thấy châu Âu đang ở trong tình trạng "lạc lối" như thế nào./.

Văn Long (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục