"Thiên đường an toàn"

Dự trữ vàng vẫn là "thiên đường đầu tư an toàn"

Nỗi lo khủng hoảng nợ tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu và Mỹ là lý do khiến dự trữ vàng vẫn là "thiên đường đầu tư an toàn."
Giá vàng vẫn vững trong phiên 20/7 tại thị trường châu Á, do các nhà đầu tư mua vào trở lại dù với số lượng không nhiều, sau khi thấy giá vàng rời khỏi ngưỡng cao kỷ lục trên 1.600 USD/ounce.

Như vậy, vàng đã lùi khỏi mức cao kỷ lục 1.609,51 USD/ounce ghi trong phiên 18/7, sau khi nhóm các nghị sỹ Mỹ đưa ra một kế hoạch tham vọng nhằm nối lại các cuộc thảo luận về trần nợ công quốc gia và về triển vọng giảm thâm hụt ngân sách dài hạn để tránh cho nước Mỹ khỏi bị vỡ nợ.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Obama cho rằng thách thức nợ công của Mỹ nên được giải quyết, song cần được xử lý theo hướng "tiếp cận cân bằng."

Tổng thống Obama cũng cảnh báo không còn nhiều thời gian khi thời hạn chót để giải quyết vấn đề trần nợ công của Mỹ (ngày 2/8) đang đến gần. Hiện Chính phủ Mỹ đã đạt tới giới hạn vay nợ, hiện ở mức 14.290 tỷ USD, vào ngày 16/5 vừa qua. Bộ Tài chính Mỹ nói rằng chính phủ nước này sẽ vỡ nợ nếu không đạt được một thỏa thuận tăng trần nợ công vào ngày 2/8 tới.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, nỗi lo khủng hoảng nợ là lý do khiến vàng vẫn là "thiên đường đầu tư an toàn," nhất là khi phát biểu của Thủ tướng Đức Angela Merkel như giội nước lạnh vào hy vọng về một giải pháp mang tính toàn diện sẽ được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) diễn ra ngày 21/7. Bà nói: "Các bước đi là cần thiết, chứ không phải chỉ dựa vào một sự kiện thu hút sự chú ý mà giải quyết được mọi vấn đề."

Chiều 20/7 tại Singapore, giá vàng giao ngay đã tăng 75 cent lên 1.588,60 USD/ounce. Trước đó một ngày tại sàn giao dịch kim loại New York (COMEX), giá vàng giao ngay đã lùi xuống dưới ngưỡng 1.600 USD/ounce.

Với đà đi xuống trong phiên 19/7, giá vàng đã chấm dứt chuỗi 11 phiên tăng giá trước đó. Tuy giá vàng đã tăng hơn 6 lần so với mức giá chỉ là 250 USD/ounce của năm 2001, kim loại quý này vẫn nằm trong một số ít mặt hàng vẫn chưa thể vượt qua các mức cao kỷ lục nếu điều chỉnh theo lạm phát. Vào năm 1980, giá vàng đã lập kỷ lục 850 USD/ounce, tức khoảng 2.400 USD/ounce tính theo thời giá hiện nay.

Nhận định về việc giá vàng nhanh chóng lùi khỏi ngưỡng cao 1.610 USD/ounce, Peter Fung, người đứng đầu bộ phận kinh doanh của Công ty Wing Fung Precious Metals có trụ sở ở Hong Kong, cho rằng một số nhà đầu tư đã bán vàng ra sau khi nhận thấy đàm phán về trần nợ công của Mỹ có một số dấu hiệu tiến triển.

Ông Peter Fung dự kiến giá vàng sẽ vẫn được hỗ trợ ở mức cao, trong khoảng 1.570-1.580 USD/ounce trong ngắn hạn. Còn đến cuối năm nay, hoạt động đầu cơ vàng tiếp tục đẩy giá kim loại quý này lên mức 1.800-1.900 USD/ounce.

Các phân tích về mặt kỹ thuật cũng đưa ra "bức tranh" có gam màu chói về triển vọng giá vàng trong ngắn hạn. Trên cơ sở những phân tích này, chuyên gia thị trường Wang Tao của hãng tin Reuters cũng cho rằng giá vàng sẽ dao động trong khoảng 1.565-1.575 USD/ounce trong vài tháng tới, trước khi tăng bứt phá lên khoảng 1.940 USD/ounce vào cuối năm nay, khi tình trạng nợ công nghiêm trọng ở châu Âu và Mỹ, cũng như những rủi ro trong quá trình tăng trưởng của kinh tế thế giới trong nửa cuối năm 2011 tiếp tục hỗ trợ giá vàng./.

Trang Nhung (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục