Hàng loạt cố vấn của Tổng thống Ai Cập từ nhiệm

Bốn cố vấn của Tổng thống Ai Cập từ chức để phản đối các vụ tấn công người biểu tình cũng như các quyết định gần đây của ông Morsi.
Ngày 5/12, tình trạng bế tắc chính trị trên chính trường Ai Cập đã leo thang thành các vụ đụng độ bạo lực tại nhiều tỉnh thành giữa những người biểu tình phản đối và ủng hộ Tổng thống Mohamed Morsi.

Đụng độ đã nổ ra bên ngoài Phủ Tổng thống tại quận Heliopolis ở thủ đô Cairo khi phe đối lập và lực lượng Anh em Hồi giáo cùng kêu gọi biểu tình tại địa điểm này.

Các nhân chứng có mặt tại hiện trường cho biết những người ủng hộ ông Morsi với số lượng đông đảo đã xông vào phá tan các lều bạt và đánh đuổi lực lượng biểu tình đối lập.

Hai bên đã dùng súng tự chế, bom xăng và gạch đá tấn công lẫn nhau trong khi lực lượng cảnh sát đã không có mặt để can thiệp.

Tối cùng ngày, bạo lực lan rộng ra nhiều tuyến phố xung quanh Phủ Tổng thống. Bộ Nội vụ Ai Cập đã phải điều động 3.000 cảnh sát tới tăng viện và sử dụng hơi cay để thiết lập lại trật tự.

Theo báo chí địa phương, đến cuối ngày 5/12, đã có ít nhất 4 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trong các vụ đụng độ này. Đây là ngày bạo lực đẫm máu nhất kể từ khi Tổng thống Morsi ban hành sắc lệnh Tuyên bố Hiến pháp gây tranh cãi vào ngày 22/11 vừa qua, kéo theo làn sóng biểu tình rầm rộ của phe đối lập.

Các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình cũng diễn ra tại nhiều địa phương khác như Alexandria, Suez và Mahalla.

Tại Alexandria, thành phố lớn thứ hai của Ai Cập, khoảng 3.000 thành viên tổ chức Anh em Hồi giáo đã đụng độ với khoảng 4.000 người biểu tình đối lập gần một nhà ga đường sắt.

Tại thành phố cảng Ismailiya và Suez, những người biểu tình đã phóng hỏa tấn công trụ sở của Đảng Tự do và Công lý (FJP), nhánh chính trị của tổ chức Anh em Hồi giáo.

Tại Damanhour, thủ phủ tỉnh Beheira, đụng độ xảy ra khi người biểu tình tập trung trước cửa trụ sở của đảng FJP phản đối bản tuyên bố hiến pháp và chỉ trích ông Morsi "nhắm mắt làm ngơ" trước các vụ tấn công nhằm vào người biểu tình đối lập bên ngoài Phủ Tổng thống.

Tại Mahalla, nhiều chuyến tàu hỏa đã buộc phải dừng lại khi những người biểu tình đốt lửa trên đường ray để phản đối các quyết định của Tổng thống Morsi và tổ chức Anh em Hồi giáo.

Cùng ngày, Đại hội đồng các thẩm phán hành chính đã ra tuyên bố bác bỏ hoàn toàn Tuyên bố Hiến pháp gây tranh cãi của Tổng thống Morsi đồng thời khẳng định các thành viên của mình sẽ không tham gia giám sát cuộc trưng cầu ý dân về Dự thảo Hiến pháp sắp tới nếu sắc lệnh của Tổng thống Morsi không bị hủy bỏ. Ngoài ra, tổ chức này cũng tuyên bố sẽ tẩy chay bất cứ cuộc trưng cầu ý dân nào nếu toàn bộ các cơ quan tư pháp không cùng tham gia giám sát.

Trong khi đó, theo nhật báo Almasry Alyoum, tối 5/12, bốn cố vấn của Tổng thống đã tuyên bố từ chức để phản đối các vụ tấn công người biểu tình bên ngoài Phủ Tổng thống cũng như các quyết định gần đây của ông Morsi.

Còn nhật báo chính phủ Al Ahram đưa tin ông Zaghloul al-Balshy, Tổng Thư ký Ủy ban Tối cao giám sát trưng cầu ý dân vừa được thành lập vào sáng 5/12 theo quyết định của Bộ Tư pháp Ai Cập cũng tuyên bố từ nhiệm đồng thời kêu gọi Tổng thống Mohamed Morsi đình chỉ "ngay lập tức" bản Tuyên bố Hiến pháp của mình.

Trong một diễn biến khác, phát biểu tại một cuộc họp báo, phó Tổng thống Ai Cập Mahmoud Mekky đã mời các lực lượng chính trị đối lập đưa ra đề xuất về các điều khoản gây tranh cãi trong Dự thảo Hiến pháp để tiến tới ký kết một "sáng kiến đồng thuận dân tộc."

Ông Mekky cũng gợi ý thành lập một nhóm các chuyên gia về luật hiến pháp để giúp sửa đổi các điều khoản này, song khẳng định cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp vẫn sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch vào ngày 15/12 tới.

Một người phát ngôn của tổ chức Anh em Hồi giáo kêu gọi người biểu tình rút khỏi các khu vực gần Phủ Tổng thống cũng như cam kết không trở lại tập trung ở những địa điểm này.

Tuy nhiên, một nhân vật đối lập nổi bật là Mohamed El Baradei, cựu Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và là thành viên chủ chốt của Mặt trận quốc gia Salvation, khẳng định các lực lượng đối lập sẵn sàng tiếp tục "cuộc chiến đấu" cho đến khi những yêu cầu của họ được đáp ứng.

Phát biểu sau một cuộc họp khẩn, ông Baradei nhấn mạnh Mặt trận quốc gia Salvation sẽ tham gia vào một cuộc đối thoại dân tộc nghiêm túc với Tổng thống Morsi nếu Tuyên bố Hiến pháp gây tranh cãi được hủy bỏ và tiến trình trưng cầu ý dân được trì hoãn.

Mặt trận quốc gia Salvation bao gồm nhiều chính đảng, trong đó có đảng Hiến pháp, đảng Xã hội Dân chủ và Đảng Liên minh nhân dân xã hội chủ nghĩa mới được thành lập./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục