Đau đầu vì tăng vốn

Ngân hàng đau đầu với bài toán nâng vốn điều lệ

Thời hạn chót hết năm 2010 đang đến gần, nhiều ngân hàng vẫn chưa biết tìm đâu ra nguồn để nâng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng.
Thời hạn chót hết năm 2010 đang đến gần, nhiều ngân hàng vẫn chưa biết tìm đâu ra nguồn để nâng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng. Thuyết phục cổ đông nội không dễ mà đường tìm đến cổ đông ngoại còn xa.

Trong số 37 ngân hàng cổ phần đang hoạt động, có khoảng 20 ngân hàng chưa đạt mức vốn điều lệ theo yêu cầu.

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm tới nay chỉ mới có 6 hồ sơ xin tăng vốn được duyệt, trong đó có 3 hồ sơ của ngân hàng có vốn trên 3.000 tỷ đồng. Như vậy, còn 17 ngân hàng vẫn đang đau đầu thu xếp vốn.

Theo cách thông thường, đa số ngân hàng chọn con đường tăng vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, cán bộ công nhân viên, số khác tìm đối tác chiến lược trong và ngoài nước hoặc tính chuyện niêm yết. Nhưng cách nào lúc này cũng không dễ.

Cổ phiếu ngân hàng thời… ế ẩm


Tại các phiên đại hội cổ đông của các ngân hàng nhỏ giai đoạn gần đây, điều được quan tâm nhiều nhất có lẽ là kế hoạch tăng vốn điều lệ thế nào, kế hoạch bán cổ phần ra sao.

Với kế hoạch tăng vốn điều lệ để kịp “về đích” của các ngân hàng nhỏ có thể thấy, một lượng lớn cổ phiếu ngân hàng sẽ được đưa ra chào bán, dự kiến ào ạt nhất là vào cuối quý 3 và đầu quý 4 tới.

Nếu cứ nhìn tương quan giữa các ngân hàng có vốn cả chục nghìn tỷ hoặc đang niêm yết trên sàn chứng khoán cũng tung cổ phiếu ra thêm, có thể dự đoán trước việc cổ phiếu của các ngân hàng nhỏ sẽ rơi vào tình trạng ế ẩm ra sao.

Nhưng câu chuyện chưa dừng ở đó, lý do tăng vốn được xem là điều kiện cần thiết cho hoạt động ngân hàng có thể thuyết phục được cổ đông, nhưng cái khó hơn cả mà ngân hàng cũng như cổ đông đều hiểu chính là việc vốn điều lệ tăng nhanh trong bối cảnh phải kiểm soát mục tiêu tăng trưởng ở mức thấp hơn năm trước (bị kiểm soát ở mức 25%).

Trong khi đó, việc mở rộng mạng lưới của các ngân hàng cũng bị hạn chế hơn, trước đây chỉ cần 20-50 tỷ đồng là ngân hàng mở được chi nhánh, nhưng theo quy định mới, mức này sẽ là 100 tỷ đồng ở Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội và 50 tỷ đồng ở các địa phương khác.

Vì những lý do đó, tăng vốn thì có thể thực hiện được nhưng sẽ khó lòng đảm bảo được tỷ lệ cổ tức cho cổ đông ở mức mà nhà đầu tư trông đợi.

Trên thị trường, cổ phiếu của các ngân hàng nhỏ hiện gần như đóng băng, và có giao dịch thì cũng dưới mệnh giá. Vậy nên, việc phát hành thêm cổ phiếu đối với những ngân hàng này sẽ không phải là điều dễ dàng.

Thậm chí, ngay cả việc phát hành thêm cổ phiếu trong khối cán bộ công nhân viên của các ngân hàng cũng rất khó bởi qui định 2 năm mới được giao dịch càng khiến các cổ phiếu này khó hấp dẫn.

Ông Lê Hồ Khôi - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Tràng An nhìn nhận, gia tăng vốn qua thị trường chứng khoán bây giờ rất khó khăn vì nhiều doanh nghiệp gặp khó trong vay vốn ngân hàng đang xoay sang cách này để tăng vốn.

Xét về yếu tố kỹ thuật thì việc niêm yết cổ phiếu sẽ giúp gia tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nhận định, năm nay có nhiều doanh nghiệp dự định lên sàn, trong đó có không ít ngân hàng lớn, vậy nên, các ngân hàng nhỏ với mức độ đại chúng thấp, nếu có lên sàn cũng khó hấp dẫn.

Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Đức Thúy nhìn nhận, trong điều kiện thị trường chứng khoán lình xình, lòng tin vào cổ phiếu ngân hàng giảm sút, việc các ngân hàng thương mại cứ cố bán cổ phiếu thêm là điều không hẳn đã tốt vì nó làm phương hại đến cổ đông hiện hữu.

Đối tác chiến lược “trông giỏ bỏ thóc”

Theo tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, trong bối cảnh hiện nay, muốn hoàn thành yêu cầu tăng vốn thì các ngân hàng cần tìm đến các cổ đông ngoại, bởi chỉ trông đợi cổ đông trong nước là không khả thi.

Tuy nhiên, lời giải từ đối tác chiến lược không phải đơn giản. Nếu nhà đầu tư chiến lược vẫn không được phép nắm quá 15% cổ phần của một ngân hàng thì thu hút cổ đông ngoại là không dễ. Từ đầu năm đến nay, có duy nhất Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) công bố bán thành công 15% cổ phần cho đối tác là ngân hàng CBA của Australia.

Hiện có một số ngân hàng khác vẫn đang đàm phán. Tuy nhiên, nói như ông Lê Hồ Khôi, để nhà đầu tư nước ngoài và các ngân hàng tìm được tiếng nói chung về giá là không đơn giản.

Đồng tình với quan điểm này, ông Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đại Tín (TrustBank), cho biết, dù TrustBank đã chọn được cổ đông chiến lược nước ngoài nhưng Hội đồng quản trị chưa đồng ý cho họ tham gia góp vốn vào thời điểm này vì thị giá của cổ phiếu ngân hàng hiện không cao. “Không thể bán giá thấp, gây thất vọng cho cổ đông hiện hữu,” ông Toàn nói.

Hiện nay, có thông tin không ít ngân hàng đã kiến nghị Chính phủ cho giãn tiến độ thực hiện lộ trình tăng vốn điều lệ theo Nghị định 141.

Đã thấy cái khó của các ngân hàng thương mại nhỏ, tuy nhiên, ông Lê Đức Thúy vẫn bảo lưu quan điểm nên kiên quyết buộc những tổ chức tín dụng không nâng vốn điều lệ theo quy định phải sáp nhập với nhau để đẩy nhanh quá trình mua lại, sáp nhập các ngân hàng, không nên để quá nhiều ngân hàng nhỏ, làm thị trường rối thêm.

“Quá trình sáp nhập, mua lại luôn tốt đối với các ngân hàng đủ vốn và nhất là các ngân hàng không có khả năng tăng vốn. Ngoài ra, còn giúp giảm bớt số lượng tổ chức tín dụng đang hiện diện khá đông trong nền kinh tế so với quy mô thị trường nhỏ như hiện nay”, ông Thúy chia sẻ với báo giới.

Tuy nhiên, trả lời câu hỏi liệu có làn sóng mua bán, sáp nhập trong ngân hàng không, đại diện một ngân hàng cho rằng, khó lòng có thể. Mối quan hệ giữa khách hàng và ngân hàng khá lỏng lẻo, và không phải cứ mua một ngân hàng là có thể mua luôn cả hệ thống khách hàng.

Vậy nên, ngân hàng khỏe chưa chắc đã muốn cõng thêm ngân hàng yếu, vị này nhận định./.

Bài viết trên được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa tạp chí Doanh Nhân của VCCI và Vietnam+
(Doanh Nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục