Nội dung số trên máy tính bảng dễ đọc hơn bản in

Theo Gartner, người tiêu dùng tìm thấy nhiều tiện lợi hơn khi đọc sách qua máy tính bảng so với việc đọc bản in truyền thống.
Vừa qua, hãng nghiên cứu Gartner đã đưa ra báo cáo mới cho thấy, người tiêu dùng đang tìm thấy nhiều tiện lợi hơn của hình thức đọc kỹ thuật số, thông qua máy tính bảng và các thiết bị đọc sách điện tử so với đọc sách bản in truyền thống.

Theo khảo sát của hãng này, thì có tới 52% người dùng máy tính bảng và iPad nói rằng việc đọc nội dung số trên thiết bị của họ dễ dàng hơn đọc trên sách giấy như thông thường.

Điều này có thể giải thích được tại sao hiện giờ doanh số tiêu thụ nội dung số lại ngang bằng với sách bản in, tuy nhiên Gartner dự đoán rằng thực tế này vẫn sẽ chưa đe dọa ngay lập tức tới khả năng tồn tại của sách in.

Giám đốc nghiên cứu Nick Ingelbrecht của Gartner phát biểu: "Nhiều mối lo ngại gần đây đã xuất hiện khi cho rằng truyền thông kỹ thuật số sẽ "bức tử" truyền thông in ấn, dựa trên những số liệu thống kê cho thấy doanh số tiêu thụ báo in sụt giảm mạnh mẽ và các dịch vụ tin tức trực tuyến lên ngôi ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, cuộc khảo sát của chúng tôi cho thấy nội dung số và nội dung in sẽ không hề dễ dàng để thay thế, loại trừ lẫn nhau. Đó là cả một quá trình vô cùng phức tạp."

Trong khi người dùng máy tính bảng tỏ ra rất ưa chuộng việc đọc qua thiết bị của mình, thì người dùng laptop hay máy tính cá nhân lại tỏ ý kiến ngược lại. 40% người dùng laptop nói rằng họ thấy đọc sách in dễ chịu hơn là phải "cắm mặt" vào màn hình máy tính, còn 30% khác thì cho biết, họ thấy đọc sách in hay sách số cũng như nhau.

Ngoài ra, độ tuổi và giới tính cũng ảnh hưởng tới sở thích đọc sách điện tử hay sách truyền thống. Những thanh niên tỏ ra rất ưa chuộng các thiết bị công nghệ để đọc ebook, còn những người trong độ tuổi 40-45 thì không nhiệt tình được như vậy. Đồng thời, cánh nam giới cũng thể hiện sự vượt trội hơn chút ít so với nữ giới trong sở thích đọc nội dung số.

Nghiên cứu trên của Gartner được thực hiện trên 1569 người tiêu dùng ở Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Italy và Ấn Độ./.

Văn Hưng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục