Ba doanh nghiệp xin diệt lục bình ở Vàm Cỏ Đông

Ba doanh nghiệp đã đăng ký xin triển khai phương án xử lý lục bình, nhằm trả lại sự thông thoáng cho sông Vàm Cỏ Đông, Tây Ninh.
Theo Sở Giao thông-Vận tải Tây Ninh, trước thực trạng lục bình đang phát triển mạnh, che lấp dòng sông Vàm Cỏ Đông, đã có ba doanh nghiệp đăng ký xin được triển khai phương án xử lý lục bình, nhằm trả lại sự thông thoáng cho dòng sông.

Ba doanh nghiệp đăng xin xử lý lục bình gồm Công ty MTV Thương mại-Xây dựng-Đầu tư Mekong có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty MTV Lê Chính và Công ty Xây dựng-Thương mại Thanh Sơn, cùng của Tây Ninh.

Công ty MTV Thương mại-Xây dựng-Đầu tư Mekong dự kiến sẽ đầu tư khoảng ba tỷ đồng để đầu tư máy cắt, băng tải, máy tách nước, máy đóng gói và nhân công để xử lý lục bình. Sau khi đóng gói, lục bình sẽ có thể chế biến thành phân mùn hoặc một số sản phẩm khác phục vụ trong nông nghiệp.

Với máy móc hiện đại và gọn, dài khoảng 20-25m, rộng từ 5-7m, vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng, Công ty MTV Lê Chính có khả năng vớt lục bình rất nhanh, tối thiểu cũng phải gấp ba lần các phương tiện đã thử nghiệm tại Tây Ninh trước đây.

Theo đại diện công ty, sẽ chỉ mất hai tháng để hoàn chỉnh phương tiện xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông; đồng thời, thiết bị này còn có khả năng ép lục bình thành khối để dễ dàng vận chuyển, tiêu thụ, sử dụng sau khi đưa lên bờ.

Công ty thứ ba là Công ty Xây dựng-Thương mại Thanh Sơn sẽ sử dụng băng chuyền đặt trên bờ. Băng chuyền đưa lục bình từ dưới sông lên xe tải chờ tại bãi chứa, sau đó chuyển đi tiêu thụ. Băng chuyền hoạt động bảy giờ/ngày với công suất trung bình năm tấn/giờ. Lục bình vớt lên có thể được dùng làm phân hữu cơ hoặc thức ăn gia súc.

Tuy nhiên, kinh phí trục vớt lục bình trong một năm lên đến 9,2 tỷ đồng.

Theo ông Trịnh Văn Lo, Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Tây Ninh, do công tác xử lý lục bình còn mới, chưa được triển khai thực hiện nên chưa đúc kết được kinh nghiệm. Phương án của ba doanh nghiệp mới chỉ là trên lý thuyết cũng như mới thao tác dạng mô hình nên chưa thể khẳng định được tính khả thi.

Trước đây đã có doanh nghiệp ứng dụng máy cơ giới trục vớt lục bình tại tỉnh Tây Ninh, nhưng không thành công.

Do đó, Sở sẽ phối hợp với các ban, ngành để kiểm tra thí nghiệm thực tế của các doanh nghiệp kể trên để lựa chọn phương án tối ưu nhất, sớm giải quyết “nạn” lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông vào mùa khô tới./.

Lê Đức Hoảnh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục