Xóm "sống chung với tử thần” ngóng chờ năm mới

“Ngán với cảnh ăn thuốc, uống thuốc bệnh viện lắm rồi. Chiều nay, sau ca chạy thận cuối cùng của năm, tôi sẽ về quê hai ngày đón Tết..."
Ngồi buồn bên hóm tre nằm sâu trong con hẻm nhỏ, bà Nguyễn Thị Sự thi thoảng lại giật mình có ai đó gọi đến tên. Cư trú hơn 4 năm ở xóm chạy thận (ngõ 121, đường Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì cũng ngần ấy thời gian bà đi gom nhặt từng đồng ve chai lo tiền viện phí.

“Ngán với cảnh ăn thuốc, uống thuốc ở bệnh viện rồi. Chiều nay, sau ca chạy cuối cùng của năm, tôi sẽ tranh thủ về quê hai ngày để thắp nén nhang cho ông bà tổ tiên, thăm bà con lối xóm sau một năm xa gia đình đi chạy thận,” người đàn bà 62 tuổi tần ngần nói.
 
Cũng như bà Sự, hàng chục thân hình tiều tụy, xanh xao trong một xóm bệnh nghèo, họ vẫn không ngừng hy vọng sớm được về quê đón Tết.

Phấp phỏng ngày cuối năm

Xóm chạy thận sáng 30 Tết, không gian im ắng đến nao lòng. Những dãy nhà cấp bốn xập xệ, nằm san sát nhau với không gian u ám như chính tương lai của 114 bệnh nhân trước thời điểm năm cùng, tháng hết.

Có người bảo, những căn phòng họ ở không khác gì “ổ chuột,” song chính nơi này lại là chỗ sinh sống tốt nhất của 114 cư dân đã và đang gắn cuộc đời mình với bệnh viện để “thi hành án chung thân.”

Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Sự kể quê ở xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Hơn 4 năm trước, cơ thể bị căn bệnh suy thận mãn tính đánh ‘sập,’ gia đình đưa bà lên Bệnh viện Bạch Mai khám, rồi phải ở lại điều trị cho tới bây giờ.

“Thấm thoắt mà đã bốn năm rồi chú ạ. Bốn nay mà chỉ có 10 lần về quê, chỉ có 2 ngày Tết được sum họp với người thân gia đình,” bà Sự ngậm ngùi.

Bà bảo, cái bệnh thận này nó gắn liền với bệnh viện, gắn với những tiếng dài nằm mê man để lọc máu. Thông thường, hai ngày bà lại phải đi vào bệnh viện Bạch Mai lọc máu một lần, mỗi lần mất 4 tiếng, nên cơ thể yếu ớt vì thiếu can xi và hao tổn hồng cầu.

Kể về những khó khăn, vất vả trong suốt hơn 4 năm chạy thận, bà bảo: “Từ ngày chạy thận tới giờ, bao của cải trong gia đình cứ thế ‘đội nón ra đi.’ Gia đình khó khăn, con cái đang tuổi ăn học, nên cũng không giúp được gì nhiều.”

Để kéo dài sự sống, mỗi sáng mai thức dậy, bà Sự lại lọ mọ đi nhặt ve chai, ban đêm lại mang ấm, chén ra đường Giải Phóng ngồi bán trà đá lo tiền viện phí.

“Tôi đi nhặt ve chai và bán trà đá được hơn ba năm rồi. Từ khi gắn bó với xóm chạy thận, cứ sáng sớm đi nhặt ve chai đến 11 giờ trưa, chiều sau ca chạy thận, nghỉ ngơi một chút rồi lại ra vỉa hè bán nước, kiếm tiền,” bà Sự chia sẻ.

Vất vả là vậy, nhưng chạy đôn chạy đáo cả ngày cũng chỉ kiếm được mấy đồng bạc lẻ. Song ít nhiều thì những đồng bạc vụn ấy cũng đã giúp bà có tiền chi trả tiền phòng trọ, thuốc men và hy vọng mỗi năm 2 ngày về quê đón Tết.

Sau những khó khăn qua lời kể, bà Sự nở nụ cười rồi nói: “Ai mắc phải bệnh tật cũng khổ, nhưng tôi vẫn còn đỡ hơn nhiều người là chồng con không bỏ. Dù rằng gia cảnh khó khăn, túng thiếu nhưng được cái gia đình luôn ủng hộ tôi chạy thận, để sống thêm ngày.”

Cùng cảnh chạy thận, cô Nguyễn Thị Loan, (Hòa Bình) cũng gầy còm sau hơn 10 năm tất tả lo cơm áo, gạo tiền để chạy thận. Cô kể có 3 cô con gái, tất cả đều đã đi lấy chồng, nên cũng không giúp được nhiều cho mẹ.

Trong khi đó, mỗi tháng riêng tiền phòng trọ ở xóm chạy thận đã mất 1,3 triệu đồng, chưa kể tiền thuốc men cho mỗi tuần 3 lần chạy thận (mỗi lần chạy mất khoảng 400.000 đồng). Tính ra mỗi tháng, cô cũng phải chi tiền triệu cho “nhà tù bệnh viện.”

“Sự sống của tôi hơn 10 năm nay đã gắn liền với liều thuốc, bơm kim tiêm. Cũng may có bảo hiểm người nghèo nên được hưởng 95% tiền viện phí, không có thì tốn kém lắm, trong khi nhà nghèo, không thể đào ra tiền,” cô Loan bùi ngùi nói.

“Tết này tôi về, 16 người ở lại”…


Đã thành thông lệ, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, người người lại háo hức trở về quê sau một năm làm việc. Với những bệnh nhân nghèo ở xóm chạy thận, họ cũng có gia đình, có quê hương, cũng cảm thấy xốn xang mỗi khi mai vàng nở. Song, có những người vì khốn khó, vì chán nản mà ngậm ngùi xa quê.
 
Tâm sự với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tấn, trưởng xóm chạy thận bảo rằng cả xóm có 114 cư dân, thì có tới vài chục người, từ ngày chạy thận tới giờ họ chưa được về quê đón Tết.

Tại xóm chạy thận có người đã gắn bó 10 năm, thậm chí hơn 20 năm phải sống với “án tù chung thân” ở bệnh viện. Cũng vì bệnh tật, vì ốm yếu mà những người về quê cũng không thể đón cái Tết trọn vẹn bên mâm cơm gia đình.

Ông Tấn là một nhà giáo, quê ở xã Thanh Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Dù mới gắn bó với xóm chạy thận được 8 năm, nhưng vì thuộc vào nhóm trí thức nên được cư dân tín nhiệm, bầu làm trưởng xóm.

“Các thành viên ở xóm chạy thận đến từ rất nhiều vùng quê, tỉnh thành khác nhau. Phần lớn các bệnh nhân là người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhà lại ở xa như Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên nên không ít người không thể về quê đón Tết,” ông Tấn cho hay.

Ngắt lời, ông mở ngăn kéo lấy quyển sổ thống kê “dân số,” rồi nói với giọng chùng xuống: “Tết này chúng tôi về, còn 16 người ở lại xóm.”
   
Kể về bản thân, ông Tấn tâm sự: “Quá nửa đời cống hiến cho nhà nước, đến lúc về già có 4 triệu đồng tiền lương, lẽ ra lo cho các cháu được cái Tết ấm cúm. Thế mà, suốt 8 năm qua lại phải cuốn gói đi chạy thận.”

Giờ đây đã bước sang tuổi 73, mắt đã mờ, gối đã mỏi, cơ thể không ngừng run rẩy vì bệnh tật, nhưng ông Tấn vẫn ngóng từng giờ được lên xe, về quê đón Tết.

“Lẽ ra tôi ở lại, làm mâm cơm cùng các anh, các chị đón Tết tại xóm. Thế nhưng, bà nhà vừa mất chưa đầy nửa tháng, nên cố về thắp nén nhang, cho đủ nghĩa vợ chồng,” ông Tấn ngậm ngùi.

Trái với cái sự phấp phỏng ngóng Tết của những người trở về quê, bà Nguyễn Thị Minh (Nam Định) vì nhà ở xa, gia cảnh khốn khó lại neo đơn nên bà cũng không buồn mong sẽ trở về nhà.

Bà Minh bảo năm nay là lần thứ 6 bà không biết mùi vị của Tết. Trong những lần ‘vắng Tết’ ấy, cứ đêm giao thừa, tất cả những cư dân ở lại xóm chạy thận lại tề tựu bên nhau, cùng làm mâm cơm đạm bạc, mừng đón Xuân về.

“Mỗi người ở một phương lại xa vắng người thân khiến cho ai cũng buồn, cũng nhớ nhà. Song, vì bệnh tật, khốn khó mà phải ở lại. Nói thật, nhà thì ở xa, về được hai ngày lại quay lên chạy, chỉ sợ bệnh nặng thêm,” bà Minh thở dài ngao ngán./.

Hùng Võ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục