Rạn nứt trong liên minh cầm quyền tương lai Đức

Liên minh cầm quyền tương lai của Đức đã có rạn nứt đầu tiên khi Thủ tướng Merkel "phát tín hiệu" sẽ không nhượng bộ trước sức ép của đối tác.
Liên minh cầm quyền tương lai mà đương kim Thủ tướng Đức Angela Merkel chủ trương thành lập sau tổng tuyển cử đã xuất hiện những rạn nứt đầu tiên khi bà Merkel "phát tín hiệu" sẽ không nhượng bộ trước sức ép của đối tác trong liên minh đòi có những cải cách mạnh mẽ mà sẽ chỉ thực hiện những thay đổi từng bước.

Liên minh cầm quyền Đen-Vàng sắp tới ở Đức gồm Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo/Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) theo đường lối bảo thủ của bà Merkel và đảng Dân chủ Tự do (FDP) trung hữu theo đường lối thúc đẩy kinh tế.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp ngày 28/9 với Chủ tịch FDP Guido Westerwelle, bà Merkel nói: "Các vị đã biết rõ tôi. Tôi có thể cố gắng vì mọi người, nhưng tôi sẽ không thay đổi chỉ vì màu sắc của liên minh", hàm ý việc thành lập liên minh Đen-Vàng đã diễn ra đúng như mong muốn của bà trước bầu cử, song không vì thế mà bà phải nhượng bộ. Bà cũng khẳng định CDU/CSU sẽ "cầm trịch" trong liên minh cầm quyền này và chính phủ mới sẽ ra mắt vào ngày 9/11 tới.

Giới quan sát nhận định tiến trình đàm phán nhằm ký thỏa thuận thành lập liên minh có thể sẽ gặp khó khăn, do FDP có những dự định tham vọng hơn CDU/CSU. Hai bên hiện còn bất đồng về quy mô và thời điểm cắt giảm thuế, cách thức hạn chế thâm hụt ngân sách và một số đề xuất của FDP nhằm tạo điều kiện để các công ty tuyển và sa thải nhân công dễ dàng hơn.

Bà Merkel cho biết sẽ thực hiện cam kết tranh cử của CDU/CSU là giảm thuế tới 15 tỷ euro (22,03 tỷ USD), nhưng không đưa ra thời gian biểu cụ thể do vấn đề tài chính công chưa mạnh.

Trong khi đó, FDP muốn giảm thuế tới 35 tỷ euro và đã thể hiện quyết tâm xúc tiến kế hoạch này. FDP cũng yêu cầu cắt giảm chi tiêu nhà nước để kiểm soát thâm hụt ngân sách, có thể lên đến 6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức vào năm 2010.

Giới kinh doanh đã lên tiếng ủng hộ lập trường cứng rắn nói trên của bà Merkel vì bà có chủ trương thực hiện những chính sách thân thị trường. Ngay sau đó, các chỉ số trên thị trường chứng khoán Đức đã tăng điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục