Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ để phù hợp với WTO

Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (có hiệu lực từ 01/07/2006) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 (có hiệu lực từ 01/01/2010) (Luật Sở hữu trí tuệ), trong quá trình thực hiện bên cạnh những ưu điểm đã dần bộc lộ những hạn chế cần phải sửa đổi. Ngày 22/9, tại Hà Nội đã diễn ra "Hội thảo hoàn thiện Báo cáo rà soát Luật Sở hữu trí tuệ," để lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia, đại diện cơ quan nhà nước… về nội dung báo cáo.
Ngày 22/9, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong khuôn khổ hợp tác với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Bộ phát triển Anh quốc, tổ chức "Hội thảo hoàn thiện Báo cáo rà soát Luật Sở hữu trí tuệ", để lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia, đại diện cơ quan nhà nước… về nội dung báo cáo.

Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (có hiệu lực từ 01/07/2006) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 (có hiệu lực từ 01/01/2010) (Luật Sở hữu trí tuệ), trong quá trình thực hiện bên cạnh những ưu điểm đã dần bộc lộ những hạn chế cần phải sửa đổi.

Luật sư Dương Tử Giang, Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh cho rằng cần sửa đổi quy định “Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, trừ tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam.”

Theo luật sư Giang, việc không cho phép các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài thành lập tại Việt Nam cung cấp dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp là không phù hợp với cam kết Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam vì điều này trái với cam kết về mở cửa thị trường và cam kết đối xử quốc gia trong dịch vụ pháp lý.

Điều 16.2 của Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATS) của WTO chỉ cho phép thành viên của WTO duy trì các quy định về giới hạn mở cửa thị trường nếu các giới hạn đó đã được quy định cụ thể tại Biểu cam kết về dịch vụ của chính thành viên đó. Tương tự, điều 17 của GATS yêu cầu tất cả các thành viên WTO phải dành cho các dịch vụ đã được quy định tại Biểu cam kết nguyên tắc Đối xử Quốc gia mà theo đó doanh nghiệp trong và ngoài nước được đối xử bình đẳng.

Với các rà soát liên quan đến nhãn hiệu, các luật sư cho rằng quy định "tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó" không phù hợp trong hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa.

Trên thực tế, bên đặt gia công hàng hóa - thường là người trực tiếp đưa hàng hóa ra thị trường, phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng nhãn hiệu trước các bên thứ ba và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa trước người tiêu dùng, còn bên nhận gia công hàng hóa - người trực tiếp sản xuất hàng hóa theo yêu cầu của bên đặt gia công chỉ phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa trước bên đặt gia công, và không phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng nhãn hiệu.

Bên nhận gia công hàng hóa có thể bị thay đổi phụ thuộc vào chất lượng hàng hóa mà họ cung cấp cho bên đặt gia công. Do đó, các đại biểu đề nghị, cần sửa đổi điều luật theo hướng: “Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện tổ chức, cá nhân đó kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu cũng như kiểm soát chất lượng sản phẩm đưa ra thị trường”.

Theo ông Nguyễn Anh Ngọc, Công ty INVESTP, cần cân nhắc bổ sung quy định về việc bảo hộ tài sản trí tuệ của nhà nước. Trên thực tế, nếu chủ nhãn đối chứng cấp thư đồng ý, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ chấp thuận cho đăng ký các nhãn hiệu tương tự. Điều này xuất phát từ quan điểm rằng quyền sở hữu trí tuệ là một loại quyền dân sự nên cơ quan nhà nước cần tôn trọng thỏa thuận giữa các bên.

Tuy nhiên, một đặc thù của Việt Nam là khối doanh nghiệp quốc doanh, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty đang quản lý các tài sản trí tuệ có giá trị rất lớn. Ví dụ Tập đoàn cấp thư đồng ý cho các công ty con đăng ký các nhãn hiệu, nếu trường hợp bán lại hoặc cổ phần hóa thì có thể có trường hợp tập đoàn mất quyền kiểm soát đối với nhãn hiệu đã đăng ký dưới tên các công ty con, hiện tại chưa có quy định quản lý vấn đề này./.

Quang Toàn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục