Ông chủ Chelsea Abramovich giàu thứ ba nước Anh

Ba tỉ phú giàu nhất nước Anh đều là người nước ngoài, trong đó Abramovich xếp sau đại gia Ấn Độ Mittal và người đồng hương Usmanov.

Trong danh sách 1.000 người giàu nhất nước Anh do tờ Sunday Times vừa công bố, ông chủ của câu lạc bộ Chelsea “chỉ” xếp thứ ba, tụt một hạng so với năm ngoái. Điều đáng nói là cả ba người giàu nhất nước Anh đều là những tài phiệt ngoại quốc.

Để lọt vào danh sách 1.000 người giàu nhất nước Anh, bạn sẽ có tài sản 70 triệu bảng. Những người giàu nhất nước Anh đã thu lại hầu hết những tổn thất của họ do cuộc khủng hoảng tài chính và hiện chỉ còn kém mức giàu có kỷ lục năm 2008 không bao nhiêu.

Trong khi hầu hết người dân bình thường ở quốc gia châu Âu này đang vật lột với suy thoái kinh tế vì những khoản cắt giảm chi tiêu của chính phủ, 1.000 người giàu nhất nước Anh có tài sản tổng cộng 396 tỉ bảng, theo thống kê Rich List (Những người giàu nhất) vừa công bố của báo Sunday Times. Con số đó chỉ kém 4% so với mức năm 2008, trước khủng hoảng.

Hiện nước Anh có tới 73 tỉ phú, tăng 20 người so với con số năm ngoái và chỉ kém mức kỷ lục hai người. Bạn cũng cần có tài sản tối thiểu 70 triệu bảng để lọt vào danh sách 1.000 người giàu nhất, so với mức 55 triệu bảng năm 2009 và 63 triệu năm 2010.

Đại gia ngành thép người Ấn Độ Lakhsmi Mittal vẫn là người giàu nhất nước Anh với tài sản 17,5 tỉ bảng (27,9 tỉ USD), giảm so với mức 22,5 tỉ bảng năm ngoái và cũng là người có tài sản sụt giảm nhiều nhất.

Mittal vẫn là người giàu nhất nước Anh (Nguồn: Reuters)

Ở vị trí thứ hai, tăng bốn hạng so với năm trước, là một đại gia ngành thép khác, Alisher Usmanov, người vừa thất bại trong cuộc đua mua lại Arsenal với tỉ phú Mỹ Stan Kroenke. Usmanov – người Nga gốc Uzbek - hiện nắm tập đoàn quặng thép lớn nhất nước Nga Metalloinvest cũng như tập đoàn công nghệ mail.ru, hiện sở hữu 2% cổ phần của Facebook. Tổng tài sản của Usmanov là 12.4 tỉ bảng (trên 20 tỉ USD).

Ở vị trí thứ ba là người xếp thứ hai năm ngoái, ông chủ Chelsea Roman Abramovich, tỷ phú ngành hóa dầu và công nghiệp nặng, với tổng tài sản là 10 tỷ bảng (16,4 tỉ USD). Điều này cho thấy danh sách người giàu nhất nước Anh tiếp tục được quốc tế hóa, bởi cả ba người giàu nhất trong danh sách đều là những người sinh ở bên ngoài xứ sở sương mù.

Người Anh có thứ hạng cao nhất trong danh sách vẫn là Công tước Westminster, sụt một bậc xuống hạng tư, nhưng tổng tài sản tăng thêm 250 triệu bảng lên mức 7 tỉ bảng, một phần vì các tỉ phú nước ngoài đã đổ xô vào thị trường bất động sản London, chiếm phần lớn trong đế chế của ông.

Ngoài ra, cũng có nhiều câu chuyện lý thú về các doanh nhân thần kỳ làm nên tỉ phú từ hai bàn tay trắng. Chẳng hạn, nhà phát minh máy hút bụi Sir James Dyson đã tăng tài sản thêm tới 920 triệu bảng trong năm ngoái, lên mức 1,5 tỉ bảng. Dame Mary Perkins, đồng sáng lập hệ thống bán mắt kính Specsavers cùng chồng Douglas đã trở thành nữ tỉ phú tự lập đầu tiên với tài sản 1,2 tỉ bảng.

[Nhiều phụ nữ trở thành triệu phú nhờ li hôn]

Đây cũng là lần đầu tiên có hơn 100 phụ nữ trong danh sách này, nhưng Perkins nổi bật vì hoàn toàn tự lập. Vợ chồng họ gặp nhau khi học nhãn khoa tại Đại học Cardiff và mở hiệu mắt kính đầu tiên ở Bristol những năm 1960.

Những cũng có nhiều tỉ phú đã phải trải qua một năm thất bát. Sir Stelios Haji-Ioannou, người sáng lập hãng máy bay giá rẻ easyJet, đã mất 140 triệu bảng xuống còn 680 triệu bảng do cổ phiếu hãng hàng không của ông giảm giá./.

H.Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục