Tỷ lệ tử vong do ung thư tiếp tục giảm mạnh ở Mỹ

Tại Mỹ, tỷ lệ tử vong do các căn bệnh ung thư đã giảm mạnh nhờ phát hiện sớm được các ca bệnh, điều trị tốt và giảm hút thuốc lá.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) ngày 7/7 cho biết tỷ lệ tử vong do các căn bệnh ung thư gây ra tại nước này tiếp tục giảm, trong đó giảm mạnh nhất là ung thư phổi và ung thư ruột kết.

Trong một tuyên bố, ACS cho biết sự cải thiện này là do tỷ lệ hút thuốc lá giảm mạnh, điều trị tốt hơn và phát hiện được các ca bệnh ung thư sớm hơn.

Theo ACS, tỷ lệ tử vong do tất cả các bệnh ung thư gây ra đã giảm 2% mỗi năm trong giai đoạn từ 2001-2006 ở đàn ông và 1,5% từ năm 2002-2006 ở phụ nữ.

Những ca bệnh mới bị ung thư ruột kết giảm 3% mỗi năm ở đàn ông và 2,2% ở phụ nữ từ năm 1998-2006, trong khi đó tỷ lệ ung thư phổi đã giảm 1,8% ở đàn ông kể từ năm 1991.

ACS ước tính có tổng cộng khoảng hơn 1,5 triệu ca bệnh ung thư mới ở Mỹ trong năm 2010, trong đó có 569.490 ca đã tử vong.

Cụ thể, theo ACS, sẽ có khoảng 222.520 người Mỹ bị ung thư phổi trong năm 2010 và 157.300 sẽ chết; 102.900 sẽ bị ung thư ruột kết và trong số này sẽ có 51.370 tử vong; 209.060 bị ung thư vú và 40.230 người sẽ bị tử vong...

Hiện nay, ung thư phổi vẫn là căn bệnh sát thủ số một đối với cả đàn ông và phụ nữ ở Mỹ, trong khi đó ung thư vú là sát thủ số hai đối với phụ nữ và ung thư tuyến tiền liệt là căn bệnh nguy hiểm chết người số hai đối với đàn ông.

Trước đó, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch Mỹ (CDC) nói rằng ít nhất 10.000 người dân Mỹ (và có thể còn cao hơn) chết mỗi năm do không chiếu chụp để sớm phát hiện các bệnh thư ruột kết hay ung thư vú./.

Khắc Hiếu (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục