Giải pháp cải tạo ô nhiễm nước sông Tô Lịch

Ngày 22/10, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã họp bàn về một loạt vấn đề, trong đó có đề án cải tạo sông Tô Lịch.
Ngày 22/10, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã họp bàn về một loạt vấn đề, trong đó có đề án cải tạo sông Tô Lịch; đề án quản lý bảo vệ môi trường, quản lý sử dụng đất đai lưu vực sông Nhuệ.

Ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, để thực hiện được phương án bổ cập nước cho sông Tô Lịch, nhằm duy trì cân bằng nước cho dòng sông và cũng pha loãng nước sông để giảm nồng độ ô nhiễm, các chuyên gia nghiên cứu theo hướng sẽ lấy nước sông Hồng qua sông Nhuệ rồi đưa nước theo những dòng chảy cũ vào sông Tô Lịch.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng mới cống Liên Mạc, tăng lưu lượng nước từ sông Hồng chảy vào sông Nhuệ, trong đó có kế hoạch bổ sung nước cho sông Tô Lịch.

Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, điểm lấy nước tại sông Nhuệ là ngay sau cống Liên Mạc, sau đó, nước sẽ qua trạm bơm Xuân Phương theo hệ thống kênh mương cũ sẽ được cải tạo để đổ vào sông Tô Lịch qua cống Nghĩa Đô (chảy dọc công viên Nghĩa Đô và đường Nguyễn Khánh Toàn).

Theo tính toán, lưu lượng thiết kế của cống này có thể bảo đảm bổ cập nước với lưu lượng 5m3/s cho sông Tô Lịch.

Song phương án này cũng gặp phải một số khó khăn bởi trong quá trình đô thị hóa, các kênh mương cũ đã bị ngắt quãng hoặc không còn trong quy hoạch.

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố lưu ý, cần tính toán kỹ lưu lượng bổ cập sao cho phù hợp với công suất tiếp nhận của khu vực Yên Sở và khả năng điều tiết của Trạm bơm Yên Sơn. Ngoài ra, việc bổ cập nước từ đầu nguồn sông Nhuệ phải thiết kế các hồ lặng tại khu vực đầu nguồn để giảm lượng phù sa của sông Hồng.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất xây dựng trạm xử lý nước thải quy mô nhỏ trên từng đoạn sông, xử lý nước thải tại nguồn để cải thiện chất lượng nước sông.

Đối với các cửa xả lớn, tùy theo lưu lượng nước tại các cửa xả sẽ thiết kế các trạm xử lý nước thải công suất nhỏ cho từng cửa xả, kết hợp với hệ thống thu gom phù hợp với diện tích đất trồng còn lại không nhiều hai bên bờ sông.

Đối với các cửa xả trung bình, có đường kính từ 300 đến 1.500mm sẽ thu gom tập trung từng đoạn chuyển về trạm xử lý kết hợp với hệ thống thu gom để xử lý nước thải như các cửa xả lớn. Thành phố cũng cần ra cơ chế khuyến khích các hộ gia đình sử dụng chế phẩm vi sinh, hóa sinh để xử lý nước thải…

Ủy ban Nhân dân thành phố đã thống nhất với đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường quyết định lựa chọn đoạn sông khoảng 2km, từ cống Bưởi đến Cầu Giấy để thực hiện dự án thu gom nước thải...

Ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cho rằng, do diện tích hành lang hai bên sông rất hạn chế, lại chưa có quy hoạch diện tích đất dành cho xây dựng trạm xử lý nước thải, nên về mặt nguyên tắc sẽ ưu tiên lựa chọn công nghệ hiện đại trên thế giới có tải trọng cao, diện tích chiếm đất nhỏ nhất và xây ngầm hoàn hoàn.

Dự kiến, đầu năm 2010, dự án thu gom, xử lý nước thải đoạn từ Bưởi đến Cầu Giấy sẽ được khởi công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục