Vùng nguyên liệu để sản xuất nhiên liệu sinh học

Quy hoạch vùng nguyên liệu để sản xuất nhiên liệu sinh học có vai trò quan trọng cho phát triển loại nhiên liệu này trong tương lai.
Trong 10 năm trở lại đây đã có một số doanh nghiệp thuộc các ngành giao thông vận tải, thủy hải sản, một số viện và trường đại học nghiên cứu thử nghiệm xăng pha ethanol và diesel sinh học.

Đây là cơ sở quan trọng để nhiên liệu sinh học dần thay thế nhiên liệu hóa thạch, góp phần bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, để các doanh nghiệp thật sự yên tâm đầu tư vào nghiên cứu, sản xuất và chuẩn bị nguyên liệu sẵn sàng cho sản xuất sản phẩm nhiên liệu sinh học thì các chính sách ưu đãi đầu tư về vùng nguyên liệu, sản xuất, phân phối nhiên liệu sinh học (ưu đãi tín dụng, giảm thuế, hỗ trợ thông tin, trợ giá cho nông dân vùng nguyên liệu như các nước đã làm) cần đầy đủ và rõ ràng hơn.

Do vậy, việc hoàn thiện khung pháp lý, cụ thể cho việc phát triển vùng nguyên liệu là điều cần thiết để nhiều doanh nghiệp có thể từ đó đầu tư vào lĩnh vực này.

Ðề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 được chia thành ba giai đoạn 2007-2010, 2011-2015 và đến 2025.

Trong giai đoạn đầu, việc quy hoạch và phát triển các vùng nguyên liệu để sản xuất nhiên liệu sinh học có vai trò nền tảng quan trọng cho lộ trình phát triển sử dụng nhiên liệu sinh học trong tương lai.

Ông Lý Hồng Đức, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) cho biết PV Oil sử dụng sắn cao sản là nguồn nguyên liệu chính để chế biến ethanol. Công ty sẽ liên kết với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam để đưa giống sắn và kỹ thuật canh tác mới, nâng sản lượng sắn bình quân đạt 18-25.000 tấn vào năm 2015. PV Oil cũng sẽ nghiên cứu giống mía cao sản và áp dụng kỹ thuật canh tác tiến bộ để đạt năng suất 70-90 tấn/ha vào năm 2015.

Song song với việc phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho việc sản xuất ethanol, PV Oil đang tiến hành hợp tác với công ty Idemitsu và công ty NBF của Nhật Bản nghiên cứu triển khai việc nhập các giống cây jatropha có năng suất cao trên thế giới về trồng thử nghiệm tại Bình Thuận để làm cơ sở phát nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất dầu diesel tương lai.

Trên cơ sở chọn lọc và thuần hóa các giống quốc tế, giống jatropha có năng suất cao sẽ được trồng đại trà tại các nơi đất khô cằn, đất hoang hóa tại Bình Thuận, Ninh Thuận, Quảng Trị, Quảng Ngãi để thu dầu jatropha.

PV Oil sẽ tiến hành nghiên cứu việc xây dựng nhà máy diesel sinh học khi việc trồng cây jatropha có hiệu quả kinh tế đối với nông dân, ông Đức cho biết.

Đối với nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, có lợi thế về nông nghiệp nhưng chưa được phát huy tối đa, nông thôn, nông nghiệp có "mỏ dầu" năng lượng sinh học từ lâu nhưng tiềm năng chưa được khai thác.

Do vậy, khi đề án này được thực hiện tốt, trước mắt là phát triển nguồn nguyên liệu, thì nó không những góp phần nâng cao kinh tế cho nông dân mà còn giúp bảo vệ môi trường./.

PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục