Sữa đua nhau tăng giá, người tiêu dùng hoang mang

Giá các loại sữa đang "lội ngược dòng" tăng vùn vụt, người tiêu dùng vẫn phải 'cắn răng" mua nhưng không rõ chất lượng có tương xứng với số tiền đã bỏ ra.
Nhiều mặt hàng đang dần bình ổn giá vào dịp ra Tết, tuy nhiên trái ngược với chiều hướng đó, giá các loại sữa lại tiếp tục “lội ngược” tăng giá bán trên thị trường.

Việc tăng giá sữa khiến không ít người tiêu dùng lo ngại trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, việc đáng lo ngại hơn là ở chỗ có dấu hiệu của việc doanh nghiệp lợi dụng việc "thay đổi bao bì" để lách luật.

Giá tăng chóng mặt

Khảo sát của phóng viên Vietnam+ ngày 21/2 cho thấy, nhiều loại sữa đã đồng loạt tăng giá bán trên thị trường, ước tính tăng gần 10% so với thời điểm cách đây một tuần.

Cụ thể, giá sữa Frisolac Gold 1 loại 900g tăng từ 415.000 đồng lên 430.700 đồng/hộp, sữa Frisolac Gold 3 HT 1,5kg có giá 663.700 đồng/hộp tăng hơn 30.000 đồng/hộp…

Hay dòng sữa bột Enfagrow A+ cũng có giá nhỉnh hơn từ 15.000-25.000 đồng/ hộp như: Enfagrow A+1 có giá 519.000 đồng/hộp, sữa bột Enfagrow A+ 2 có giá 494.000 đồng/hộp, sữa bột Enfagrow A+ 3 có giá 445.000 đồng/hộp…

Bên cạnh đó, giá các hãng sữa như Vinamilk đã bắt đầu điều chỉnh giá bán tăng khoảng 7% một số nhóm sản phẩm kể từ ngày 17/2.

Đơn cử, sữa Dielac Alpha Step 1 loại 900g tăng giá bán từ 198.500 đồng lên 225.500 đồng, sữa bột Dielac Optimum 1 tăng từ 339.000 đồng lên 355.900 đồng/hộp, Dielac Optimum 2 hiện có giá bán 349.500 đồng/ hộp, tăng so với tuần trước có giá chỉ 333.000 đồng/hộp…

Lý giải về vấn đề này, bộ phận chăm sóc khách hàng Công ty Vinamilk cho rằng, do giá nguyên liệu nhập tăng hơn 20% nên cần điều chỉnh giá cả bù lỗ trên thị trường.   

Nhiều đại lý bán hàng cho biết, mặc dù giá sữa nhỉnh hơn so với trước, song sức mua của người tiêu dùng không hề có dấu hiệu giảm.

Anh Hoàn, quản lý shop Mẹ và bé trên phố Nguyễn Ngọc Vũ (Trung Hòa, Cầu Giấy) chia sẻ, trước thông tin giá sữa đang trên đà tăng lên, cửa hàng anh đã nhập thêm số lượng gấp đôi tháng trước. Anh cho rằng: “Ra Tết nhu cầu mua sữa người tiêu dùng tăng mạnh đồng thời giá bán cũng đang tăng lên. Do đó phòng trước trường hợp giá thị trường thay đổi bất thường, cửa hàng nhà anh đã nhập thêm nhằm ổn định giá và biết đâu lại là cơ hội đầu tư để kiếm lời thêm.”

Khi hỏi về nguyên nhân tăng giá, người mua đều nhận được những câu trả lời chung chung quen thuộc của chủ hàng theo kiểu tăng giá là do “xu hướng của thị trường.”

Cầm hộp sữa mới mua trên tay, chị Ngà ở Thanh Xuân (Hà Nội) bày tỏ, lần nào giá sữa tăng người bán hàng cũng giải thích do giá nguyên liệu tăng, chi phí vận chuyển, trượt giá… Thế nhưng với những gia đình có trẻ nhỏ như chị thì dù giá tăng cả nhà vẫn phải "cắn răng" rút ví thêm vài chục nghìn cho mỗi hộp sữa.

Nhập nhèm tên gọi

Tuy nhiên, điều đáng nói là, khảo sát trên thị trường cho thấy, có rất nhiều sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được ghi trên bao bì với tên gọi “sản phẩm dinh dưỡng.”

Nhiều ý kiến cho rằng việc tăng giá là do hãng vừa thay đổi bao bì  là “chiêu” qua mắt người tiêu dùng để tăng giá bán và nhằm lách luật của các doanh nghiệp.

Trả lời báo chí trước đó, Cục quản lý giá cho biết, với việc thay đổi tên gọi sản phẩm đối với sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi, các doanh nghiệp sẽ tránh phải đăng ký lại giá mỗi khi điều chỉnh giá tăng theo quy định mới.

Cục Quản lý giá cho biết thêm vẫn đang tiếp tục theo dõi và sẽ nghiên cứu kỹ việc này để có những đề xuất lên Bộ Tài chính hướng xử lý phù hợp.

Với những tên gọi khác như sản phẩm dinh dưỡng hay thực phẩm bổ sung thay thế dòng sữa bột, thì các hãng đã hợp lý hóa việc tăng giá.

Có cái nhìn khác, ông Lê Văn Giang – Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm cho hay: “Việc nhiều hãng sữa thay đổi mẫu mã bao bì không phải họ lách luật mà họ thực ra trở về đúng bản chất.”

Ông Giang nhấn mạnh từ trước năm 2011, thị trường sữa không được kiểm định chất lượng chặt chẽ. Có nhiều sản phẩm không đủ tiêu chuẩn là sữa mà vẫn đeo nhãn mác là sữa. Chính vì vậy, để lập lại thị trường đó thì Bộ Y tế đã có Thông tư số 31/2010/TT-BYT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng bột. Văn bản trên có hiệu lực từ ngày 2/1/2011.

Theo quy định mới đó thì những sản phẩm sữa phải đáp ứng được đúng hàm lượng mới được ở đúng vị trí đó. Vì vậy, dẫn đến tình trạng có sản phẩm đang từ sữa nếu không đạt các tiêu chuẩn trên thì sẽ bị hạ cấp thấp xuống vị trí thực phẩm chức năng. Ngược lại, có những sản phẩm thực phẩm chức năng sẽ lên vị trí của sữa.

Chính sự không đồng nhất về phía các cơ quan quản lý khiến người dùng cảm thấy rất hoang mang. Trong khi đó, chính những người tiêu dùng, như lời tâm sự của chị Nguyễn Thị Hòa ở Cầu Giấy, vẫn phải bỏ tiền ra mua sữa mà không rõ giá tăng như vậy có tương xứng với chất lượng hay không./.
Nhóm PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục