Nga và Ukraine chưa ký thỏa thuận mới về khí đốt

Nga và Ukraine đã ký một loạt thỏa thuận, tuy nhiên, một thỏa thuận mới về việc Nga cung cấp khí đốt cho Ukraine vẫn chưa được ký.
Nhân chuyến thăm Ukraine ngày 27/10 của Thủ tướng Nga Vladimir Putin, hai bên đã ký một loạt thỏa thuận hợp tác, trong đó có vấn đề khai thác khí đốt và hạt nhân.

Tuy nhiên, một thỏa thuận mới về việc Nga cung cấp khí đốt cho Ukraine vẫn chưa được ký, làm tăng nguy cơ lặp lại "cuộc chiến khí đốt" giữa hai nước vào đầu năm tới như từng xảy ra những năm trước.

Trong các thỏa thuận mới được ký này, có thỏa thuận thành lập một liên doanh chung để xây dựng nhà máy xử lý urani ở Ukraine. Nhà máy này dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2013 với công suất xử lý khoảng 400 tấn urani mỗi năm.

Một công ty liên doanh dầu khí của Nga đã ký thỏa thuận với Chính phủ Ukraine về dự án khai thác khí đá phiến (khí đốt được lấy ra từ đá phiến sét) ở Ukraine với vốn đầu tư lên tới 2 tỷ USD trong 25 năm tới.

Ngoài ra, một công ty chế tạo máy bay của Ukraine cũng ký thỏa thuận thành lập liên doanh sản xuất máy bay với một hãng hàng không Nga.

Các thỏa thuận này là một phần trong chiến lược thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với nước láng giềng Nga của Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych kể từ khi ông lên cầm quyền đầu năm nay. Hai nước đặc biệt đang từng bước tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, hàng không và nông nghiệp.

Về thỏa thuận mới cung cấp khí đốt cho Ukraine, một quan chức cấp cao Nga, tháp tùng ông Putin tới Kiev ngày 27/10, cho biết thỏa thuận chưa thể ký trong dịp này và hai nước sẽ còn tiếp tục đàm phán.

Ukraine phụ thuộc phần lớn vào lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga và năm 2009, hai nước này đã ký một thỏa thuận 10 năm. Tuy nhiên, Ukraine, nước trung chuyển 80% lượng khí đốt của Nga bán sang châu Âu, lại cho rằng thỏa thuận hiện nay là không chấp nhận được, đặc biệt về giá khí đốt. Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov cho biết sẽ nêu vấn đề này trong các cuộc hội đàm với Thủ tướng Nga Putin.

Tháng 1/2009, cuộc tranh cãi giá khí đốt giữa Mátxcơva và Kiev đã làm gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga cho các nước bạn hàng ở châu Âu trong khoảng hai tuần giữa mùa đông giá rét, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của Nga là nhà xuất khẩu năng lượng tin cậy và khiến châu Âu phải tìm những nhà cung cấp mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục