Ngày 20/10 khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XII sẽ khai mạc vào sáng 20/10 tới.
Hai ngày trước lễ khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, chiều 18/10, Văn phòng Quốc hội tổ chức buổi họp báo công bố nội dung kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII.

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XII sẽ khai mạc vào sáng 20/10 tới và được tiến hành trong 32 ngày làm việc (không kể ngày nghỉ) với tổng thời gian gần một tháng rưỡi, nhiều hơn so với kỳ họp trước (Quốc hội chỉ làm việc 26 ngày).

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ bàn bạc, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước trong đó có công tác xây dựng pháp luật và các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 của đất nước.

Ông Dũng cũng cho biết kỳ họp này có 46 phiên họp toàn thể; 13 phiên họp được truyền hình trực tiếp, chiếm 28% thời lượng các phiên họp toàn thể; 16 phiên họp tổ (kỳ họp trước là 10). Điểm khác biệt của kỳ họp thứ 8 so với các kỳ họp khác là trong chương trình làm việc, các đại biểu sẽ góp ý kiến về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Mặc dù là kỳ họp cuối năm, Quốc hội vẫn thực hiện chương trình xây dựng pháp luật khá nặng với chín dự án luật, một Nghị quyết dự kiến sẽ được thông qua như Luật thuế bảo vệ môi trường; Luật Thanh tra; Luật Tố tụng hành chính; Luật Viên chức; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Khoáng sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân. Sửa đổi Nghị quyết của Quốc hội về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến chín dự án luật, gồm Luật Tố cáo; Luật Khiếu nại; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Đo lường; Luật Phòng chống buôn bán người; Luật Lưu trữ; Luật Hợp tác xã; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố tụng dân sự và Luật Thủ đô.

Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011; tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010; dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ nhân sách trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2011.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về báo cáo của Chính phủ về tổng kết bước một việc thực hiện Nghị quyết 26/2008/QH12 ngày 15/11/2008 của Quốc hội khóa XII về thí điểm không tốt chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường; về báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ bảy đến kỳ họp thứ 8.

Các đại biểu Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án và công tác đặc xá; công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật, tội phạm và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; báo cáo tổng kết công trình quan trọng quốc gia dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Đáng chú ý, trong chương trình dự kiến của kỳ họp, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo về tình hình hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin)./.

Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục