Sông Lô trơ đáy khiến hàng trăm chủ tàu "treo niêu"

Gần 200 con tàu ở xã Tiên Du, huyện Phù Ninh, Phú Thọ, đang phải nằm phơi mình như cá mắc cạn do mực sông Lô xuống thấp ở mức kỷ lục.
Khoảng một tháng nay, gần 200 con tàu ở xã Tiên Du, huyện Phù Ninh, Phú Thọ, đang phải nằm phơi mình như cá mắc cạn do mực sông Lô xuống thấp ở mức kỷ lục trong khoảng 50 năm qua.

Trong khi các tàu hàng điêu đứng thì tàu cứu hộ, kéo cạn lại “ăn nên làm ra” trong những ngày khó khăn không chỉ cho sản xuất nông nghiệp mà cả sản xuất công nghiệp và dịch vụ vận tải thủy.

Chủ tàu thất bát...

Nếu thoạt nhìn người ta cứ tưởng dân tàu thủy phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì về ăn tết, gần 200 con tàu nối đuôi nhau ken đặc cả một khúc sông trên địa bàn xã Tiên Du. Nhưng không, đó là những con tàu trở cát sỏi đang bị mắc kẹt bởi nước sông Lô đang ngày một cạn kiệt, thay vì dòng nước đục ngầu phù xa cuộn chảy là những đụn cát trắng phau đang trồi lên ngày một cao ở đáy sông.

Nhiều đoạn, luồng chảy thu hẹp mực nước xuống thấp, khiến cho những con tàu trọng tải thấp nhất cũng không giám liều lĩnh đi qua.

Anh Trương Hữu Khiêm, chủ tàu VP 1106 - Phương Đông 01 mắc cạn hơn một tháng nay, tại đoạn sông Lô ở khu 4 xã Tiên Du cho biết: "Tôi có con tàu trọng tải 500 tấn là tài sản duy nhất để kiếm miếng cơm cho cả gia đình, nhưng nay không thể nào đi được vì nước sông quá cạn, nên đành ...cầu trời cho nước lên nhanh, không thì tiền về quê ăn tết cũng không có chứ chưa nói đến tiền trả lãi ngân hàng để mua tàu".

Mỗi tháng, bình quân phải chi phí gần 30 triệu nào là tiền thuê nhân công, tiền hao mòn máy móc, tiền ăn tiền uống... thế mà tàu vẫn phải nằm bẹp ở đây. “Mấy trăm tàu đang nằm tất ở đây hàng tháng nay. Có nhiều chủ tàu phải trả lãi ngân hàng tới 40- 50 triệu đồng tiền vay đóng tàu, xót ruột, xót gan mà vẫn phải cắn răng chịu đựng"! anh Khiêm cho biết.

Sông Lô đoạn chảy qua xã Tiên Du thời gian này đang là bến đỗ của gần 200 tàu, thuyền chở cát sỏi và gỗ nguyên liệu. Ban đêm, cả khu vực bờ sông như một thành phố nổi... bất đắc dĩ. Có lúc cao điểm gần 500 con tầu xếp hàng nằm... đợi nước lên và chờ tàu dẫn luồng để thoát cạn.

Anh Nguyễn Văn Quang, chủ tàu PT 1528, ở phường Bạch Hạc (thành phố Việt Trì) nhẩm tính: "Tàu tôi nằm 'chết' đúng 42 ngày rồi, lấy cát ở Tràng Xão, Phù Ninh, tưởng xuôi luôn Hà Nội đổ hàng, không ngờ tới đây thì mắc cạn, không đi nổi. Tôi phải xúc gần 250 khối cát đổ xuống sông, để tránh bị nước vặn thân tàu, mà tàu vẫn không đi được, chẳng biết là phải nằm tới bao giờ nữa.

Tàu tôi trọng tải 500 tấn, đóng hết gần 3 tỷ đồng, phần lớn tiền đóng tàu phải vay nợ ngân hàng, hơn một tháng nay, tiền lãi, công thủy thủ và các chi phí khác vẫn cứ phải trả đều làm cả nhà tôi mất ăn mất ngủ!"

Cứu cạn... được mùa

Mới 6 giờ sáng, nhưng việc cứu hộ và dẫn luồng đã nhộn nhịp cả tháng nay. Anh Hùng chủ tàu HD 0667 bộc bạch, sau gần 1 tháng nằm chờ kéo cạn, dẫn luồng, tàu của anh đã thoát khỏi đoạn sông này. Nằm ở ngoài cùng, với trọng tải gần 600 tấn và gần 500 khối cát, anh đã phải thuê người xúc bỏ gần 300 khối, chấp nhận lỗ, để cho 6 tàu cứu hộ vào, phá luồng kéo ra và cho các tàu khác có cơ hội thoát cạn.

Anh Hoàng Văn Dũng, Công ty Hoa Hồng, đơn vị chuyên làm công tác kéo cạn, cứu hộ, dẫn luồng ở khu vực này cho biết: “Ngoài một số tàu điều tốc, kéo cạn ở sông Hồng, thì riêng tại khu 4 Tiên Du, Công ty phải huy động 10 tàu, làm suốt ngày trong gần một tháng nay mà không hết việc”.

Do mức nước sông quá cạn, nhiều tàu muốn thoát mà cũng không thoát được khi luồng chỉ sâu gần 1,2m, trong khi mớn tàu phải 2,3-2,5 m, do vậy không thể làm liều đưa tàu ra.

Thông thường, để “lôi” được một tàu ra khỏi chỗ cạn, phải cần đến 3-4 tàu điều tốc, cá biệt có tàu phải 5-6 tàu mới “vần” được tàu cạn ra.

Ngoài một số tàu nhỏ thuê dẫn luồng và đổ toàn bộ cát đi cho nhẹ và nổi đã... thoát hiểm, còn hầu hết vẫn đang phải nằm chờ nước lên. Trung bình một ngày chỉ kéo được 5-6 tàu ra khỏi chỗ cạn và dẫn luồng cho xuôi. Nhiều tàu không thể cứu hộ nổi, mặc dù chủ tàu nài nỉ giúp đỡ, vì tàu quá to và nằm trong cùng, bị các tầu khác ép kẹt cứng”.

Với giá 1 triệu đồng một tàu khoảng 500 tấn, 300.000-500.000 đồng một tàu cỡ 150-200 tấn, khoảng 200.000-400.000 đồng tiền dẫn luồng cho một tầu cỡ nhỏ, thậm chí muốn đi nhanh, thoát cạn, một tàu cỡ 500 tấn phải chi khoảng 2 triệu đồng mới mong được “cứu” ra, đó là ở vị trí thuận tiện, còn nếu như nằm kẹt ở giữa bãi tàu này, thì công ty cứu hộ cũng... không dám làm liều.

Hàng trăm tàu bị mắc cạn, đồng nghĩa với hàng trăm tỷ đồng của các chủ tàu cũng đang kẹt cứng, họ đang cầu trời cho nước lên.

Theo quy luật của thời tiết, thì chí ít phải 3-4 tháng nữa mới có nước lên. Do đó, trong lúc này các chủ tàu chỉ có một cứu cánh duy nhất là chờ cứu hộ kéo cạn từng ngày để... thoát hiểm./.

Tạ Toàn-Quốc Hội (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục