Kế hoạch mua gạo giá cao của Thái chưa hiệu quả

Kế hoạch bảo trợ mua thóc gạo từ nông dân với giá cao của Chính phủ Thái Lan đã chưa giúp làm tăng giá mặt hàng này trên thị trường.
Các nhà xay xát và nông dân Thái Lan cho rằng kế hoạch bảo trợ mua thóc gạo từ nông dân với giá cao của Chính phủ Thái Lan đã chưa giúp làm tăng giá mặt hàng này trên thị trường trong thời gian qua.

Hiện không ít người Thái Lan hoài nghi về khả năng chính phủ quản lý lượng thóc gạo rất lớn đang được trữ trong kho mà không bị thiệt hại.

Bất chấp những lời cảnh báo rằng kế hoạch kể trên sẽ làm tăng lượng lương thực dự trữ trong kho có thể lên tới 6-10 triệu tấn, Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra vẫn triển khai chương trình mua thóc gạo từ nông dân với giá cao, với mục đích giúp đẩy giá gạo tăng lên trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tuy vậy, theo nhật báo Dân tộc ngày 20/2, kế hoạch trên, vừa được áp dụng trong vụ thu hoạch chính, đã chưa đạt được kết quả mong muốn, khi hoạt động mua bán mặt hàng này không trở nên sôi động hơn.

Bộ trưởng Thương mại Thái Lan, Boonsong Teriyapirom cho rằng Thái Lan chú trọng vào việc làm thế nào để bán thóc gạo với giá cao nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, vì thế đang đẩy mạnh xuất khẩu thóc gạo chất lượng cao, nhất là gạo Hom Mali (Hương Nhài).

Bộ trưởng Boonsong có kế hoạch sẽ tới thăm Việt Nam vào tháng 3 tới để tìm cách hợp tác với Việt Nam trong nỗ lực nâng cao năng lực mặc cả và thúc đẩy giá thóc gạo trên thị trường.

Mặc dù đã chia sẻ thông tin và hợp tác trong lĩnh vực này nhiều năm qua, nhưng sự liên minh phối hợp giữa các nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan, Việt Nam vẫn chưa phát triển đúng tầm vì mỗi nước theo đuổi các chính sách khác nhau.

Trước việc giá gạo Hom Mali của Thái Lan đang cao hơn gạo thơm cùng loại của Việt Nam khoảng 150-200 USD/tấn, các nhà xuất khẩu nước này lo ngại làm thế nào Bộ Thương mại Thái Lan có thể chào bán gạo Hom Mali với giá trên 1.000 USD/tấn.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng mua gạo Hương Nhài với chất lượng tương tự từ Campuchia để tái xuất khẩu với giá thấp hơn, trong bối cảnh Thái Lan chỉ có thể bán ra thị trường khoảng 2 triệu tấn gạo thơm mỗi năm.

Theo Bộ trưởng Boonsong, Thái Lan chưa có kế hoạch "giải phóng" thóc gạo đang trữ trong kho vào thời điểm này, khi Ấn Độ và Việt Nam tiếp tục xuất khẩu nhiều gạo ra thị trường với giá thấp hơn chừng 100 USD/tấn so với gạo Thái.

Bộ Thương mại nước này có thể sẽ thực hiện chiến lược tiếp thị từ quý II/2012, cân nhắc khả năng “giải phóng” lượng thóc gạo trong kho thông qua các hợp đồng bán gạo cho chính phủ các nước và mở thầu.

Trong khi đó, nông dân Thái Lan phàn nàn rằng họ thường phải bán thóc gạo với giá thấp hơn mức giá cam kết mua của Chính phủ vì gặp nhiều trở ngại, và muốn được giúp thực hiện thêm các biện pháp khác như hỗ trợ về giống cao sản hay áp dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất, hạ giá thành phẩm.

Thị trường trong nước khá trầm lắng do các thương gia không cạnh tranh nhau mua thóc gạo, bởi mức giá 13.000-15.000 baht/tấn thóc gạo trắng và khoảng 20.000 baht/tấn gạo thơm mà chính phủ thu mua từ nông dân là quá cao.

Chủ tịch Hội các nhà xay xát thóc gạo Thái Lan, Charnchai Rattananon nói rằng chương trình trợ giá của Chính phủ đã không giúp đẩy giá thóc gạo trên thị trường trong nước tăng lên.

Còn các nhà xay xát cũng trì hoãn mua thóc gạo, trong khi nhiều thương gia và nhà xuất khẩu Thái chưa vội vàng vào cuộc vì thóc gạo Thái đang mất khả năng cạnh tranh.

Thái Lan đang là nhà xuất khẩu gạo số một thế giới và dự báo có thể xuất khẩu 8-9,5 triệu tấn gạo trong năm nay, so với mức mục tiêu trên 7 triệu tấn gạo xuất khẩu của Việt Nam. Tổng lượng gạo buôn bán trên thị trường thế giới ước đạt 30-32 triệu tấn mỗi năm./.

Ngọc Tiến (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục