Thổ Nhĩ Kỳ thông qua dự luật sửa đổi Hiến pháp

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua dự luật sửa đổi Hiến pháp mà đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của nước này đề xuất.
Sáng 7/5, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua dự luật sửa đổi Hiến pháp mà đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền ở nước này đề xuất.

Dự luật nhận được 336 phiếu ủng hộ trên tổng số 550 ghế trong Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, tức là chưa hội đủ 2/3 đa số phiếu cần thiết để được ban hành thành luật ngay lập tức. Như vậy, dự luật này sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý trong vòng 60 ngày tới.

Dự luật sửa đổi Hiến pháp do Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đệ trình đã gây tranh cãi gay gắt trong quốc hội nước này.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng kế hoạch cải cách Hiến pháp sẽ biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một nhà nước dân chủ hơn, từ đó đẩy nhanh tiến trình nước này gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, các đảng đối lập cho rằng gói cải cách trên nhằm mục đích tăng thêm quyền hạn của AKP đối với lĩnh vực tư pháp và quân đội.

Sau khi dự luật được thông qua, đảng đối lập chính tại Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ kháng cáo lên Tòa án Hiến pháp để ngăn cản cuộc trưng cầu dân ý về văn kiện này.

Trước đó, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ một điều khoản chủ chốt của dự luật trên, quy định các công tố viên chỉ được phép mở điều tra chống một chính đảng nào đó sau khi Quốc hội chấp thuận việc này, như vậy điều kiện để buộc một chính đảng ngừng hoạt động sẽ trở nên khó khăn hơn. Đây là điều khoản gây tranh cãi nhất trong gói cải cách kể trên.

Trong khi đó, bản Hiến pháp hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ lại có những quy định rất dễ dàng đối với việc cấm các chính đảng hoạt động, nên kể từ khi bản hiến pháp được thông qua năm 1982 đến nay, đã có gần 20 đảng chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ bị cấm hoạt động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục