Tỷ lệ thất nghiệp trên toàn thế giới vẫn ở mức cao

Mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi, nhưng hàng triệu lao động vẫn không có việc làm, đặc biệt là ở các nước phát triển.
Bộ phận phân tích và tư vấn kinh tế (EIU) thuộc tập đoàn Economist Group ngày 9/5 cho rằng mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi, nhưng hàng triệu lao động vẫn không có việc làm, đặc biệt là ở các nước phát triển.

Với việc các nhà hoạch định chính sách không thể hoặc không sẵn sàng tung thêm các gói kích thích, thị trường lao động khó có thể phục hồi đủ nhanh để tránh những tác hại lâu dài về kinh tế và xã hội.

Số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của các nước phát triển năm 2010 là 8,8%, cao hơn mức 8,4% của năm 2009 và 5,8% của năm 2007.

Sau ba năm khủng hoảng, thất nghiệp bắt đầu giảm ở Mỹ và khu vực đồng euro (Eurozone), nhưng tốc độ phục hồi chậm và không ổn định. Cụ thể, tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng Tư vừa qua là 9%, giảm so với mức 9,8% của tháng 11 năm ngoái, nhưng lại cao hơn mức 8,8% của tháng 3/2011. Tỷ lệ thất nghiệp của Eurozone trong tháng Ba vừa qua là 9,9%, chỉ giảm nhẹ so với mức 10,1% của tháng 10/2010.

Nguyên nhân chính là các nền kinh tế phát triển vẫn phục hồi khá chậm chạp. Đa số các nền kinh tế này vẫn có khả năng sản xuất dư thừa lớn, điều đó có nghĩa là có thể tăng trưởng nhanh hơn mà không tạo ra lạm phát nếu chỉ có nhu cầu được kích thích.

Tuy nhiên, rất ít nước đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trung bình, do đó số việc làm mới được tạo ra chỉ vừa đủ với tốc độ tăng dân số trong độ tuổi lao động. Ngoài ra, khả năng thực hiện các gói kích thích tài chính và tiền tệ lại bị hạn chế. Như Eurozone, những nước có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất lại là những nước có vấn đề về tài chính công nghiêm trọng nhất. Trên 20% lực lượng lao động của Tây Ban Nha thất nghiệp, nhưng lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của nước này cũng đang đứng ở mức trên 5% và bất kỳ một dấu hiệu nào cho thấy chính phủ nước này nới lỏng hầu bao cũng có thể đẩy lãi suất này trên thị trường tiếp tục tăng lên. Tình hình tương tự đối với các nước như Bồ Đào Nha, Ireland và Hy Lạp.

Chính sách tiền tệ cũng bị hạn chế ở những nước cần kích thích tăng trưởng nhất. Lãi suất ở Mỹ, Anh và Nhật Bản đã ở mức thấp nhất có thể. Vòng nới lỏng tiền tệ (QE) thứ 2 của Mỹ giúp nền kinh tế nước này dễ thở hơn chút ít nhưng cũng đang đi đến hồi kết và Ngân hàng Dự trữ liên bang (FED) đã tỏ ý hoài nghi về những tác động tích cực có thể có của vòng QE tiếp theo. Ngân hàng trung ương Anh thì lo ngại với vấn đề lạm phát và có thể sẽ tăng lãi suất chứ không đưa ra thêm các QE.

Các lo ngại về thất nghiệp không chỉ giới hạn ở Eurozone. EIU dự báo thất nghiệp tại Mỹ chỉ có thể giảm xuống mức dưới 7% vào năm 2015 và tỷ lệ thất nghiệp của Anh sẽ ở mức cao hơn. Ngoài tốc độ tăng trưởng GDP, cũng còn một số yếu tố khác dẫn đến việc thất nghiệp cao.

Mỹ vốn được hưởng lợi từ việc lực lượng lao động rất cơ động, sẵn sàng di chuyển đi bất cứ đâu để tìm việc và không gặp rào cản về ngôn ngữ và pháp lý. Tuy nhiên, giá nhà giảm làm khoảng 1/4 số người Mỹ không thể bán nhà để chuyển đi chỗ khác tìm việc.

Ngoài ra, người lao động thất nghiệp càng lâu thì càng khó kiếm việc làm, một phần vì các kỹ năng mất đi, phần khác là do dấu đen thất nghiệp lâu dài trong lý lịch. Điều này sẽ làm nảy sinh tình trạng là tại các nước phát triển sẽ có một lượng lớn người trong độ tuổi lao động bị gạt khỏi lực lượng lao động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục