UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Đất đai sửa đổi

Chiều 15/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Đất đai sửa đổi.
Chiều 15/1, tiếp tục phiên họp thứ 14, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được thảo luận tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về những vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau. Sau khi lấy ý kiến nhân dân, dự kiến dự thảo luật sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.

Xung quanh việc áp dụng bảng giá đất, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hai phương án. Loại ý kiến thứ nhất: Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh ban hành bảng giá đất để áp dụng cho tất cả các mục đích; không công bố bảng giá đất hàng năm mà chỉ điều chỉnh cục bộ khi giá đất có sự biến động tăng, giảm 20%, trường hợp chưa kịp điều chỉnh bảng giá đất thì xác định giá đất cụ thể để áp dụng.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng nên quy định bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và được công bố vào ngày 1/1 của năm đầu kỳ để làm căn cứ tính các loại thuế, phí, lệ phí và tính thu tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; các trường hợp còn lại như giao đất, cho thuê đất không theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì thực hiện việc xác định giá đất cụ thể tại thời điểm thực hiện.

Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với loại ý kiến thứ hai như phương án 2 trong dự thảo Luật.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý lại chưa thực sự yên tâm về cả hai phương án đưa ra. Theo ông Phan Trung Lý, khi đất đai là chủ sở hữu toàn dân thì Nhà nước phải chủ động trong quản lý thị trường này do đó không thể để xảy ra tình trạng Nhà nước phải chạy theo thị trường. Nếu thực hiện như phương án một sẽ xảy ra hiện tượng Nhà nước chạy theo thị trường đất, cứ 60 ngày lại phải điều chỉnh một lần sẽ rất vất vả. Còn quy định ở phương án hai thì quá cứng nhắc, 5 năm mới thay đổi một lần lại quá lâu. Vì vậy, cần đưa ra phương án tối ưu hơn, ông Phan Trung Lý nhấn mạnh.

Về công chứng, chứng thực hợp đồng giao dịch các quyền của người sử dụng đất, hiện cũng có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định các hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất như chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực; hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp được công chứng, chứng thực theo nhu cầu của các bên) nhằm đảm bảo an toàn cho các giao dịch, phòng ngừa các rủi ro. Loại ý kiến thứ hai lại cho rằng việc công chứng, chứng thực các hợp đồng về giao dịch quyền sử dụng đất theo yêu cầu của các bên có liên quan.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nên quy định giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành những điều, khoản được giao trong Luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về việc lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai (sửa đổi) cũng được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm. Nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân và tạo sự đồng thuận của nhân dân, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự kiến việc lấy ý kiến nhân dân sẽ được thực hiện từ ngày1/2/2013 và kết thúc vào ngày 31/3/2013./.

Phúc Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục