Quảng bá du lịch VN: Cần thay đổi từ “cái đầu”

Dù đã được quan tâm từ những năm 2000, nhưng việc quảng bá du lịch vẫn chưa có hiệu quả là bao và câu chuyện này còn nhiều điều cần bàn.
Quảng bá du lịch ở Việt Nam bắt đầu được quan tâm từ những năm 2000 với chương trình quốc gia về xúc tiến quảng bá để tạo thương hiệu và hình ảnh cho đất nước, hỗ trợ thu hút khách cho hoạt động kinh doanh du lịch.

Tuy nhiên, hiệu quả từ các chương trình này chưa được là bao và câu chuyện về quảng bá còn rất nhiều điều cần bàn. Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi cởi mở và thẳng thắn với Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trung Lương về vấn đề này.

Quảng bá kiểu… truyền miệng


- Ông đánh giá thế nào về chiến lược quảng bá của ngành du lịch Việt Nam thời gian qua?


Ông Phạm Trung Lương:
Xúc tiến quảng bá ở đây được hiểu là tạo dựng hình ảnh và quảng bá sản phẩm của mình. Thời gian qua, Việt Nam cũng rất tích cực tham gia các hội chợ quốc tế du lịch, chủ động tổ chức các sự kiện ở nước ngoài, lần đầu tiên sử dụng ngân sách cho việc xúc tiến quảng bá với số vốn đầu tư khoảng 2 triệu USD/năm.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận việc sử dụng nguồn ngân sách đó cho hoạt động xúc tiến quảng bá vẫn còn ít hiệu quả. Thể hiện ở mấy khía cạnh như: xúc tiến quảng bá thiếu tính chuyên nghiệp, chưa xác định được nhu cầu của khách du lịch ở các thị trường khác nhau; chưa đầy đủ các kênh thông tin quảng bá tới người dân các nước.

Qua một số nghiên cứu của chúng tôi có thể thấy thông tin về du lịch của Việt Nam hiện nay 70% là truyền miệng thôi.

- Nguyên nhân là do đâu thưa ông?

Ông Phạm Trung Lương: Sự phối hợp giữa các ban ngành trong lĩnh vực du lịch còn yếu, du lịch chưa có sự kết hợp với ngoại giao, thương mại… nên chưa tạo được sức mạnh tổng hợp. Đó là sự thiếu chuyên nghiệp và thiếu năng lực về cả tài chính, nhân lực cũng như quản lý.

Trước đây, Tổng cục Du lịch được Thủ tướng cho phép thành lập Cục Xúc tiến du lịch nhưng khi sáp nhập vào Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì Cục Xúc tiến này bị mất đi. Đây là điều vô cùng đáng tiếc của ngành du lịch Việt Nam.

Hiện nay, chức năng xúc tiến du lịch nước ngoài được giao cho Cục hợp tác quốc tế làm còn Tổng cục Du lịch chỉ được xúc tiến du lịch nội địa thôi. Việc tổ chức như vậy là rất bất hợp lý, làm cản trở cho xúc tiến quảng bá du lịch. Nhưng thôi, đó là việc của “ông trời”!

Sắp tới phân cấp trong ngành chúng tôi vẫn kiên trì đề xuất phải có một tổ chức đủ mạnh cho tương xứng với vai trò, vị trí, sự quan trọng của công tác xúc tiến quảng bá du lịch.

- Vậy theo ông, hiện tại công tác quảng bá của chúng ta đang theo những hình thức nào?

Ông Phạm Trung Lương:
Chúng ta đang áp dụng hai hình thức rất truyền thống như tham gia các hội chợ quốc tế về du lịch tổ chức thường niên ở Anh, Đức, Trung Quốc… để quảng bá hình ảnh của Việt Nam. Chúng ta cũng chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý về du lịch quốc gia của các nước tổ chức các sự kiện du lịch như: Ngày Việt Nam ở Pháp, Ngày Việt Nam ở Mỹ hay tận dụng các hoạt động khác về văn hóa, ngoại giao… để quảng bá hình ảnh đất nước.

Thực ra, có nhiều nước họ làm việc này một cách rất nhẹ nhàng, như Hàn Quốc chẳng hạn họ vừa quảng bá hình ảnh đất nước qua phim ảnh nhưng đó cũng vừa là làm thương mại. Họ kiên trì với chiến lược đó và đã thành công.

Ở Việt Nam, ngoài chiến lược về quảng bá du lịch nói chung thì cần những chiến lược chuyên ngành riêng như chiến lược về sản phẩm, chiến lược về xúc tiến quảng bá, chiến lược về đào tạo… Hiện chúng ta vẫn chưa có một đề án chiến lược hoàn chỉnh về quảng bá.

- Vậy chúng ta cần làm gì ngay bây giờ, thưa ông?


Ông Phạm Trung Lương:
Chúng ta phải làm ngay một đề án phát triển hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam trong đó gắn cả với câu chuyện xây dựng thương hiệu của du lịch Việt Nam. Vì một trong những nội dung định hướng rất quan trọng của chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030 là xây dựng thương hiệu của du lịch Việt Nam.

Vấn đề đi kèm theo là năng lực về cả tài chính, con người để tổ chức thực hiện những điều đó.

Thay đổi từ “cái đầu”

- Là người làm nghiên cứu, ông cảm thấy thế nào trước hiện trạng những tiềm năng du lịch Việt Nam thì bị khai thác bừa bãi có nơi lại không được quan tâm đầu tư…?


Ông Phạm Trung Lương:
Phải nói là quá xót xa. Bởi nếu xét về tiềm năng thì du lịch của chúng ta chẳng kém gì các nước, thậm chí còn hơn nếu xét ở khía cạnh chất lượng vật chất.

- Viện nghiên cứu phát triển du lịch chẳng lẽ không đủ tiếng nói…


Ông Phạm Trung Lương: Không được đâu! Giới khoa học ở Việt Nam nói ít người nghe lắm!

- Vậy thì những nghiên cứu sẽ đi về đâu?


Ông Phạm Trung Lương: Đi về đâu ư? Thì chúng ta chia sẻ với nhau… Chứ thực tế, những người ở “tầm cao” phải thật tâm huyết và thực sự phải có chiến lược dài hơi, xuyên suốt mới làm được.

Rõ ràng, cái tư duy, nhận thức của những người đứng đầu đang không ổn. Vì thực tế các bạn biết rồi, họ chỉ làm nhiệm kỳ 5 năm thôi, 5 năm sau chưa biết đi về đâu. Người ta quan tâm tới chuyện khác chứ không đâu có quan tâm tới chuyện phát triển du lịch. Đó là một thực tế.

- Thế theo ông, chúng ta phải thay đổi từ cái gì để cứu vãn thực tế đó?


Ông Phạm Trung Lương: Chúng ta phải thay đổi từ “cái đầu”.

Quan trọng là tư duy của người có quyền quyết định

- Ông nghĩ thế nào khi có vị giáo sư về marketing người Pháp trong cuộc trò chuyện với chúng tôi có khuyên rằng điều quan trọng cần làm trước nhất của du lịch Việt Nam là phải thay đổi tư duy dịch vụ?


Ông Phạm Trung Lương: Đúng vậy, cần thay đổi tư duy dịch vụ, mà dịch vụ ở đây chính là câu chuyện của marketing.

Chúng ta cứ đâm đầu đi theo giáo điều là thành nước công nghiệp hóa. Còn lâu mới theo được! Nhiều nước họ đã phải đổi ngay sang câu chuyện dịch vụ như bạn vừa nói. Mà xu thế phát triển của thế giới hiện nay là đang dịch chuyển từ công nghiệp sang dịch vụ. Chính cái đi tắt là đây chứ đâu.

Dịch vụ là cái cao hơn, vậy mà mình lại cứ đâm đầu theo những cái thấp cấp. Như nhiều nước bây giờ cũng đầu tư phát triển dịch vụ, Singapore chẳng hạn, hoàn toàn là dịch vụ.

- Ông đánh giá thế nào về yếu tố con người trong mối quan hệ với marketing du lịch, mà cụ thể là dịch vụ du lịch?

Ông Phạm Trung Lương:
Nói một cách không sáo rỗng lý thuyết, con người đúng là quyết định hết, đặc biệt là những con người có quyền quyết định. Những nhận thức, tư duy và đặc biệt là sự ủng hộ của họ có vai trò quyết định rất lớn, vì những người đó có quyền quyết định chính sách, tài chính cho các hoạt động du lịch.

Tiếp đó, những người trực tiếp thực hiện phải có trình độ, chuyên nghiệp và có tâm. Mà trong thời buổi này tìm người có tâm cũng khó đấy. Nhưng nếu có tâm mà những “người trên” không cho làm thì cũng ngồi đấy. Một bài toán vòng tròn nhưng lại đang là một thực tế ở Việt Nam hiện nay.

Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi./.


ChiLê (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục