Tìm thấy đồ trang sức thời La Mã ở mộ cổ Nhật Bản

Các đồ trang sức thủy tinh có thể do các thợ thủ công La Mã chế tác có niên đại thế kỷ thứ năm đã được tìm thấy trong một mộ cổ ở Nhật.
Các đồ trang sức bằng thủy tinh có thể do các thợ thủ công La Mã chế tác đã được tìm thấy trong một mộ cổ ở Nhật Bản, một dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của đế quốc La Mã có thể đã vươn tới cả Viễn Đông xa xôi.

Những kết quả kiểm tra cho thấy ba hạt thủy tinh được tìm thấy ở một cổ Utukushi có niên đại thế kỷ thứ năm ở Nagaoka, Kyoto, có thể được chế tác từ thế kỷ một đến thế kỷ bốn, theo Viện nghiên cứu quốc gia Nara về các di sản văn hóa.

Viện nghiên cứu nhà nước này mới đây đã hoàn thành việc phân tích thành phần của các hạt thủy tinh có đường kính khoảng năm milimet có mạ những mảnh vàng nhỏ.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những hạt chuỗi màu vàng nhạt này được chế tác bằng natron, một hóa chất sử dụng để thổi thủy tinh ở đế chế La Mã cổ đại, nhà nước thay thế nền Cộng hòa La Mã vào năm 27 trước công nguyên và chấm dứt sau khi Constantinople sụp đổ vào năm 1453.

Các hạt chuỗi, có lỗ xâu ở giữa, được làm với kỹ thuật bọc nhiều lớp, một công nghệ tương đối tinh tế trong đó các thợ thủ công phủ nhiều lớp thủy tinh lên nhau, xen giữa là những lớp vàng.

“Chúng là một trong những sản phẩm thủy tinh nhiều lớp lâu đời nhất được tìm thấy ở Nhật Bản, và là những đồ tạo tác rất hiếm mà chúng tôi cho rằng được chế tạo ở đế chế La Mã rồi chuyển sang Nhật Bản,” Tomomi Tamura, một nhà nghiên cứu tại viện, nói.

Đế chế La Mã tập trung xung quanh khu vực Địa Trung Hải và trải dài lên phía bắc qua đảo Anh ngày nay. Phát hiện ở Nhật Bản, cách trung tâm đế chế là nước Italy ngày nay khoảng 10.000 km, có thể nói lên đôi điều về tầm ảnh hưởng của đế chế, theo lời ông Tamura.

“Phát hiện này cũng có thể mở đầu cho những nghiên cứu xa hơn về việc các hạt thủy tinh này đã tới Nhật Bản bằng cách nào,” bà nói./.

Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục