Đàm phán chia sẻ quyền lực ở Madagascar thất bại

Kết thúc đàm phán, các đảng phái không thể bầu ra được một chính phủ chuyển tiếp đảm đương sứ mệnh chèo lái quốc đảo Ấn Độ Dương này.
Cuộc đàm phán chia sẻ quyền lực nhằm chấm dứt khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng qua ở Madagascar một lần nữa đã rơi vào bế tắc khi các đảng phái không thể bầu ra được một chính phủ chuyển tiếp đảm đương sứ mệnh chèo lái quốc đảo Ấn Độ Dương này.

Đàm phán hòa bình "Maputo II", kéo dài từ ngày 25 - 27/8 tại thủ đô Maputo của Mozambique, có sự tham gia của lãnh đạo 4 chính đảng lớn ở Madagascar, gồm Tổng thống bị phế truất Marc Ravalomanana, nhà lãnh đạo lâm thời Andry Rajoelina cùng hai cựu Tổng thống Didier Ratsiraka và Albert Zafy.

Kết thúc đàm phán, các nhà lãnh đạo đã không nhất trí về các vị trí chủ chốt trong chính phủ chuyển tiếp, đặc biệt là chức vụ tổng thống, như mục tiêu đặt ra trước đó.

Mặc dù vậy, theo nhà trung gian hòa giải - cựu Tổng thống Mozambique Joaquim Chissano, các bên đã thống nhất về việc đảng phái nào sẽ bổ nhiệm vị trí nào trong chính phủ chuyển tiếp. Tổng thống bị phế truất Ravalomanana và nhà lãnh đạo lâm thời Rajoelina đều sẽ được bổ nhiệm người đứng đầu mỗi viện trong quốc hội và chỉ định một phó thủ tướng.

Dự kiến danh sách tổng thống và các bộ trưởng chủ chốt của chính phủ chuyển tiếp Madagascar sẽ được công bố vào ngày 4/9 tới.

Madagascar rơi vào khủng hoảng chính trị sau cuộc binh biến hồi tháng 3 dẫn tới việc Tổng thống khi đó là ông Marc Ravalomanana bị phế truất và phải sống lưu vong ở Nam Phi. Thủ lĩnh phe đối lập Andry Rajoelina, 35 tuổi, lên nắm quyền.

Các vụ bạo động đã làm hơn 135 người thiệt mạng. Khủng hoảng chính trị đã gây thiệt hại đáng kể đối với nền kinh tế của quốc đảo lớn thứ tư thế giới này, trong khi cộng đồng quốc tế ngừng cung cấp viện trợ và cô lập chính phủ lâm thời Madagascar về ngoại giao.

Theo Hiệp ước quá độ chấm dứt khủng hoảng chính trị, ký tại vòng đàm phán "Maputo I" ngày 9/8 vừa qua, Madagascar sẽ thành lập một chính phủ chuyển tiếp (gồm một tổng thống, một thủ tướng, 3 phó thủ tướng và 28 bộ trưởng) trong vòng 30 ngày.

Cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tiến hành trong vòng 15 tháng kể từ khi ký hiệp ước. Hiệp ước quy định tất cả thành viên của chính phủ chuyển tiếp, trừ tổng thống, sẽ không được phép tham gia tranh cử tổng thống, dự kiến tiến hành vào cuối năm 2010./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục