Văn hóa của kỳ quan-di sản: “Lép vế” trên sân nhà

Sắp tới, tại Vịnh Hạ Long có diễn ra nhiều hoạt động văn hóa khởi đầu mùa du lịch mới sẽ hội tụ nhiều nét văn hóa đặc sắc nước bạn.
Những ngày tới đây, bên bờ Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa khởi đầu một mùa du lịch mới.

Trong số những hoạt động sẽ diễn ra, nổi bật hơn cả là các hoạt động văn hóa của các nước Nhật Bản, Nga… Hạ Long vui mừng vì “hội tụ” được những nét văn hóa đặc sắc của nước bạn. Song chính điều này cũng đặt ra cho Quảng Ninh nhiều suy ngẫm về việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản địa phục vụ cho du lịch.

Kỳ quan hội tụ văn hóa

Từ ngày 11-13/4 , tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức lễ hội hoa Anh đào hoành tráng ngay bên bờ Vịnh Hạ Long với chủ đề “Một nét văn hóa Nhật Bản tại Hạ Long,” trong đó có 100 cành hoa Anh đào Hikan từ thành phố Nago (tỉnh Okinawa), 5 cây hoa Anh đào Garyuu từ thành phố Takayama (tỉnh Gifu).

Đồng thời, phía Nhật Bản cũng tặng 100 cây hoa Anh đào giống khác để trồng cố định tại công viên Lán Bè bên bờ Vịnh Hạ Long. Trong thời gian lễ hội, Nhật Bản còn tổ chức lễ diễu hành Thần đạo; biểu diễn chế biến cá ngừ của đầu bếp Nhật Bản…

Tỉnh Quảng Ninh dự định sẽ tổ chức lễ hội hoa Anh đào thường niên và đưa hoạt động này trở thành một sản phẩm du lịch của Vịnh Hạ Long.

Một hoạt động khác, gần đây, Đoàn Hội hữu nghị Nga-Việt có buổi làm việc tỉnh Quảng Ninh đề xuất việc xây dựng tượng đài nhà du hành vũ trụ người Nga Giécman Titốp trên Vịnh Hạ Long. Đề xuất này đã được tỉnh Quảng Ninh ủng hộ.

Ông Vladimia Petrovich Buianop, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga-Việt cho biết tượng đài Titốp sẽ được xây dựng bằng chất liệu đá. Dự kiến khởi công vào đầu năm 2014 và hoàn thành vào giữa năm 2014.

Ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Du lịch Quảng Ninh bày tỏ tỉnh không quan ngại gì việc xuất hiện các nền văn hóa khác ở Hạ Long, bởi chính điều này làm tăng thêm tình hữu nghị các dân tộc anh em trên thế giới.

Cần phát huy giá trị văn hóa bản địa

Trong khi Nhật Bản, Nga đang có những hoạt động tích cực quảng bá nét văn hóa của mình tại kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, buồn thay, những nét văn hóa bản địa của Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung chưa thấy mấy khi xuất hiện “hoành tráng,” hoặc nổi bật ở chính "sân nhà."

Ông Trần Trọng Trung, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long cho biết từ khi Vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan đến nay, chưa có bất cứ một địa phương nào trong nước đến đề cập việc giới thiệu nền văn hóa của tỉnh, thành mình bên bờ di sản-kỳ quan này.

Trong nhiều kỳ tổ chức trước đây, lễ hội carnaval Hạ Long - một sản phẩm du lịch của Vịnh Hạ Long, lại mang đậm màu sắc phương Tây với các hình ảnh choáng ngợp của các thiếu nữ “chân dài” với các màn biểu diễn múa bụng, hay vũ điệu samba lạ mắt mà thiếu vắng những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc, các vùng đất Quảng Ninh cũng như của Việt Nam. Tình trạng trên chỉ thực sự được điều chỉnh từ năm 2012.

Ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh thừa nhận rằng việc phát huy, bảo tồn văn hóa bản địa gắn kết với các văn hóa của các tỉnh, thành khác làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân là điều cần thiết. Để phát huy giá trị Vịnh Hạ Long, cần bảo tồn những nét văn hóa của người dân làng chài vốn có cả ngàn năm qua với nhiều câu hát đối, hát giao duyên, hay với những tập tục, nếp sống sinh hoạt hàng ngày… Đây là cốt lõi để phân biệt nét văn hóa giữa Vịnh Hạ Long với các tỉnh, thành khác.

Đáng tiếc, hiện nay nhiều làng chài truyền thống trên Vịnh Hạ Long với nhiều giá trị văn hoá độc đáo đang bị rơi dần vào quên lãng. Một ý tưởng “Phục dựng làng chài cổ” trên Vịnh Hạ Long được “thai nghén” từ nhiều năm qua, song chưa thành hiện thực. Từ năm 2007, Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch tỉnh đã sưu tầm các khúc hát giao duyên, hát đám cưới, các phong tục tập quán, kinh nghiệm lao động sản xuất, chữa bệnh dân gian, văn hóa ẩm thực cho đến lễ hội truyền thống... Nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở mức sưu tầm, phục dựng để bảo tồn. Còn việc phát huy và quảng bá các nét văn hóa ấy để phục vụ cho du lịch thì tỉnh vẫn chưa làm được.

Gần đây, Quảng Ninh thành lập nhóm hát giao duyên kiêm làm hướng dẫn viên giới thiệu văn hóa làng chài gồm các thành viên là con em người dân làng chài thi thoảng vẫn đi hát ở các lễ hội truyền thống, hát khi có yêu cầu của các tour du lịch... Nhưng họ cũng chỉ là các cộng tác viên của Ban quản lý Vịnh Hạ Long với đồng lương ít ỏi. Gần đây nhiều em bỏ việc, còn lại chỉ dăm bảy người.

Thực tế, du lịch của Hạ Long mới tập trung khai thác về thắng cảnh. Đây là những lợi thế được thiên nhiên ưu đãi cho Quảng Ninh. Trong khi đó, tỉnh chưa khai thác về chiều sâu các giá trị văn hóa bản địa.

Bà Phạm Thùy Dương, Trưởng Ban quản lý Vịnh Hạ Long cho biết Ban quản lý thường xuyên tổ chức tuyên truyền những nét văn hóa làng chài cho người dân bản địa và khách du lịch. Tuy nhiên, ngoài cán bộ Ban và người dân làng chài ra, trên địa bàn tỉnh it người biết được văn hóa làng chài Vịnh Hạ Long.

Trưởng Ban quản lý Vịnh Hạ Long tỏ ý khâm phục và muốn học tập người Nhật để quảng bá văn hóa của Hạ Long rộng khắp, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài, điều này đặc biệt cần thiết khi Hạ Long đang hướng tới mục tiêu trở thành thành phố du lịch mang tầm khu vực vào năm 2015 và đạt tầm quốc tế năm 2020.

Tuy nhiên, để làm được điều này, theo Trưởng Ban quản lý Vịnh Hạ Long: Quảng Ninh cần có những người tâm huyết, giàu tư duy, ý tưởng và cần cả về kinh phí, sự đồng thuần của các cấp lãnh đạo và người dân.

Bà Dương cũng kêu gọi, các tỉnh, thành phố có di sản hãy liên kết, phối hợp vì lợi ích chung của Việt Nam, khi đó các nét văn hóa bản địa mới phát huy được giá trị./.

Văn Đức (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục