Cây tùng thần kỳ

Sức sống thần kỳ của cây tùng sau sóng thần ở Nhật

Người dân Rikuzentakata, Nhật Bản đang nỗ lực bảo tồn cây tùng duy nhất còn lại của rừng tùng 70.000 cây sau thảm họa kép 2011.
Ngày 6/3, giới khoa học, nhà chức trách và người dân thành phố Rikuzentakata, tỉnh Iwate, đã nỗ lực ghép nối và hồi sinh “cây tùng kỳ tích” sau khi cắt nó thành nhiều khúc nhỏ hồi tháng 9/2012 nhằm tiến hành bảo tồn, cứu vãn sự sống cho cây. Câu chuyện về “cây tùng kỳ tích” không chỉ khiến người dân nước Nhật mà cả thế giới ngưỡng mộ về sức sống thần kỳ của nó. Đây là cây tùng duy nhất còn sót lại của một rừng tùng bạt ngàn với 70.000 cây nhưng bị trận sóng thần khủng khiếp ngày 11/3/2011 nhổ sạch chỉ trong vài phút. Với hàng nghìn người dân mất nhà cửa ở Rikuzentakata, sự sống sót của cây tùng chẳng khác nào một “phép mầu”. Nhựa tùng ứa ra từ vết thương trên thân trong khi những nhánh cây bên dưới bị sóng biển tước sạch. Thế nhưng phần ngọn của cây cao 10 mét này vẫn rậm lá, chứng tỏ sức sống của nó vô cùng mãnh liệt. Trong cuộc họp báo ngày 27/2, thành phố Rikuzentakata cho biết cây tùng kỳ tích này có niên đại 173 năm. Giáo sư danh dự trường Đại học Kyoto, Takao Itoh, đã công bố thông tin trên sau khi tiến hành giám định các vân gỗ trên một khúc thân cây với độ dày 10cm và đường kính 1m. Như vậy, đây là cây tùng cổ có niên đại gần 2 thế kỷ và từng sốt sót qua hai trận sóng thần trước đó là trận Meiji Sanriku năm 1896 và Showa Sanriku năm 1933. “Cây tùng kỳ tích” được xem là biểu tượng của niềm hy vọng và ý chí kiên cường của những người dân thành phố Rikuzentakata. Chính quyền địa phương đã quyết tâm bảo tồn cây như giữ gìn một biểu tượng của tinh thần quật cường ấy. Trên trang chủ của thành phố, thị trưởng thành phố Rikuzentaka, Futoshi Toba, đăng một bức tâm thư kêu gọi các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đóng góp cho nỗ lực bảo tồn cây tùng của hy vọng này./.

Hình ảnh cây tùng bất diệt trước khi được cắt ra từng khúc đem đi bảo tồn tháng 9/2012 và sau khi được ghép nối trở lại vào ngày 6/3/2013. (Nguồn: Sankei)

Chuyên gia viện nghiên cứu sinh vật Yoshida đang xác định niên đại của cây tùng kỳ tích. (Nguồn: Viện nghiên cứu sinh vật Yoshida).
Hữu Thắng/Tokyo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục