Hà Nội thực hiện các giải pháp bình ổn giá hàng hóa

Trước diễn biến giá cả hàng hóa xu hướng tăng vào cuối năm, Sở Công Thương Hà Nội đang ráo riết thực hiện các giải pháp bình ổn giá cả.
Trước diễn biến giá cả hàng tiêu dùng thiết yếu có xu hướng tăng trong những ngày cuối năm, Sở Công Thương Hà Nội đang ráo riết thực hiện các giải pháp bình ổn giá cả, đảm bảo cân đối cung cầu, góp phần ổn định thị trường, phục vụ nhân dân Thủ đô dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013.
 
Đến thời điểm này, lực lượng hàng hóa phục vụ Tết nguyên đán Quý Tỵ tương đối dồi dào. Sở Công Thương chỉ đạo 15 doanh nghiệp tham gia bình ổn giá trên địa bàn Thành phố dự trữ đúng lượng hàng hóa đã cam kết tương ứng với số vốn 376 tỷ đồng được Ủy ban Nhân dân thành phố cho tạm ứng với lãi suất 0%, đồng thời thường xuyên quay vòng vốn tăng lượng hàng hóa dự trữ để đảm bảo hàng hóa cung ứng thị trường, góp phần ổn định giá cả.
 
Tổng số lượng hàng hóa thiết yếu gồm gạo trắng thường 6.000 tấn; thịt lợn 900 tấn; thịt gà, vịt 350 tấn; trứng gia cầm 6 triệu quả; rau, củ 2.000 tấn; thực phẩm chế biến 550 tấn; thủy hải sản đông lạnh 450 tấn; dầu ăn 1.300.000 lít và đường 200 tấn. Bằng nguồn vốn tự có của mình, các doanh nghiệp chủ động dự trữ số lượng hàng gấp đôi so với số lượng hàng hóa thiết yếu giao dự trữ với số tiền lên 700 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân dịp trước, trong và sau Tết.
 
Giá bán đối với các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn của Thành phố đều được các doanh nghiệp đăng ký với Sở Tài chính Hà Nội, không có tình trạng tăng giá bất thường tại các điểm bán. Hiện nay, giá một số nhóm hàng thiết yếu phục vụ Tết bắt đầu tăng do hạn chế nguồn cung như nhóm hàng thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm và rau củ, tuy nhiên các doanh nghiệp bình ổn giá vẫn giữ nguyên giá bán đã được thẩm định.
 
Các doanh nghiệp bình ổn giá tổ chức bán hàng thường xuyên tại 710 điểm bán hàng cố định có treo biển nhận diện, trong đó: 345 điểm bán hàng ở khu vực ngoại thành, 56 điểm bán tại các chợ, 6 điểm bán tại khu công nghiệp, khu chế xuất và hơn 78 bếp ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất, văn phòng. Các chuyến bán hàng lưu động đưa hàng bình ổn giá kết hợp với các nhóm hàng phục vụ Tết về các huyện, khu công nghiệp, khu chế xuất đặc biệt tập trung vào thời gian Giáp Tết Nguyên đán Quý Tỵ để phục vụ nhu cầu người dân có thu nhập thấp và trung bình.
 
Ngoài ra, các doanh nghiệp đảm bảo tổ chức đưa hàng bình ổn đến khoảng 1.500 đại lý, cửa hàng, bếp ăn tập thể trên địa bàn Thành phố với giá bán ổn định, chất lượng đảm bảo. Dự kiến dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán các doanh nghiệp tiếp tục tổ chức khoảng trên 200 chuyến bán hàng để phục vụ nhân dân. Tổng công ty thương mại Hà Nội tổ chức thực hiện 5 phiên chợ Tết tại các huyện Sóc Sơn, Thạch Thất, Đan Phượng, Đông Anh, Từ Liêm trong thời điểm Giáp Tết (dự kiến từ 1/2/2013 đến 5/2/2013 tức ngày 21-25/12 âm lịch).
 
Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát thị trường chống đầu cơ, găm hàng và kiểm tra công tác bình ổn giá của các doanh nghiệp được hỗ trợ vay vốn của Ủy ban Nhân dân thành phố. Trong đợt đầu kiểm tra công tác phục vụ Tết; lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 439 vụ vi phạm về đầu cơ găm hàng và giá, phạt hành chính 320 triệu đồng và tịch thu nhiều hàng hóa vi phạm./.

Đinh Thị Thuận (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục