Nghề trồng lúa ở châu Á khởi nguồn từ Trung Quốc

Chứng cứ phân tử học chứng minh rằng trồng lúa ở châu Á được khởi nguồn từ lưu vực sông Trường Giang cách nay hơn 8.000 năm.
Báo cáo mới nhất đăng trên National Academy of Sciences của Mỹ cho thấy, chứng cứ phân tử học chứng minh rằng, trồng lúa ở châu Á được khởi nguồn từ lưu vực sông Trường Giang, Trung Quốc cách nay hơn 8.000 năm.

Lúa ở châu Á là một trong những cây trồng nông nghiệp cổ nhất và quan trọng nhất trên thế giới.

Lúa châu Á có hai phân nhánh gồm Oryza sativa subsp. hsien và Oryza sativa subsp. keng.

Có hai quan điểm liên quan đến nguồn gốc của lúa ở châu Á. Quan điểm thứ nhất cho rằng cả hai nhánh Oryza sativa subsp. hsien và Oryza sativa subsp. keng đều có cùng một nguồn gốc, tức là đều được nuôi trồng từ lúa hoang dã. Quan điểm thứ hai cho rằng, hai nhánh này lần lượt được nuôi cấy ở những khu vực khác nhau thuộc châu Á.

Trước đó, giới khoa học từng cho rằng lúa ở châu Á có nguồn gốc từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Các nhà khoa học thuộc Đại học New York, Đại học Washington, Đại học Stanford và Đại học Purdue đã tiến hành phân tích lịch sử tiến hóa của loài lúa ở châu Á bằng phương pháp dựa vào tính toán của máy tính tiên tiến và các số liệu thu thập được. Kết quả cho thấy, hai nhánh lúa Oryza sativa subsp. hsien và Oryza sativa subsp. keng có cùng một nguồn gốc và bắt nguồn từ Trung Quốc.

Ngoài ra, các nhà khoa học tiến hành tái lập trình tự 630 đoạn gen nhiễm sắc thể của loài lúa hoang dã và lúa nuôi trồng, kết quả tương tự như kết luận trước đó.

Các nhà khảo cổ học phát hiện cách nay 8.000-9.000 năm tại lưu vực sông Trường Giang (Trung Quốc) đã xuất hiện nghề trồng lúa. Trong khi đó cách nay 4.000 năm nghề trồng lúa mới xuất hiện ở khu vực sông Hằng, Ấn Độ./.

Ngọc Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục