Phát hiện vụ nổ sao từ thời vũ trụ còn sơ khai

Ngày 29/10, tạp chí khoa học Nature của Anh đã công bố phát hiện về vụ nổ của một siêu sao cách đây 13 tỷ năm, thời kỳ vũ trụ còn sơ khai.
Ngày 29/10, tạp chí khoa học Nature của Anh đã công bố phát hiện của hai nhóm nhà khoa học Anh và Mỹ về vụ nổ của một siêu sao cách đây 13 tỷ năm, thời kỳ vũ trụ còn sơ khai.

Nhờ kính thiên văn vũ trụ Swift của Mỹ, các nhà khoa học đã phát hiện được ánh sáng của các vụ nổ tia gamma xuất hiện khi một ngôi sao nổ tung trước khi biến thành một hố đen trong vũ trụ.

Các vụ nổ tia gamma là các vụ nổ mạnh nhất trong vũ trụ và ánh sáng phát ra từ các vụ nổ này sáng gấp 10 triệu lần so với độ sáng của thiên hà sáng nhất, đủ để chiếu sáng các thiên hà.

Đo độ biến dạng của ánh sáng phát ra từ các vụ nổ này sau khi nó hành trình qua không gian và thời gian của vũ trụ, các nhà khoa học xác định ngôi sao đó đã nổ khoảng 630 triệu năm sau vụ nổ Bigbang tạo ra vũ trụ.

Như vậy, với tuổi của vũ trụ khoảng 13,7 tỷ năm, vụ nổ này đã xảy ra cách đây khoảng 13 tỷ năm. Tuổi của vũ trụ vào thời điểm đó chưa bằng 5% so với tuổi hiện nay của vũ trụ và không gian vũ trụ thời điểm đó rộng chưa bằng 1/9 so với vũ trụ hiện nay. Thời kỳ này được gọi là “kỷ nguyên tối” của vũ trụ.

Các giáo sư Nial Tanvir và Andrew Levan, đứng đầu hai nhóm nghiên cứu, cho rằng phát hiện của khoa học hiện đại về ngôi sao cổ nhất trong số các ngôi sao đã được phát hiện này dọi ánh sáng mới vào thời kỳ sơ khai của vũ trụ khi các ngôi sao đang hình thành.

Vào thời điểm này, các electoron và proton tự do kết hợp với nhau tạo ra các nguyên tử trung hòa điện tích âm và dương, nên vũ trụ có “kỷ nguyên tối”.

Chỉ vào khoảng 800-900 triệu năm sau vụ nổ Bigbang hình thành vũ trụ, các nguyên tử và phân tử này mới tái ion hóa và mang điện, tạo ra vũ trụ gồm các thiên hà tương đối sáng như hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục