10.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển địa phương

Đến nay đã có 22 quỹ đầu tư phát triển địa phương được lập tại các tỉnh, thành phố với tổng vốn hoạt động khoảng 10.000 tỷ đồng.
Đến nay đã có 22 quỹ đầu tư phát triển địa phương được lập tại các tỉnh, thành phố để thực hiện nhiệm vụ đầu tư tài chính và đầu tư phát triển với tổng nguồn vốn hoạt động (không tính nguồn vốn ủy thác) đạt khoảng 10.000 tỷ đồng.

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết hoạt động quỹ đầu tư phát triển địa phương và định hướng hoạt động đến năm 2015, được tổ chức tại tỉnh Quảng Nam ngày 1/7 cho biết tốc độ tăng trưởng nguồn vốn bình quân của các quỹ này giai đoạn 1997-2004 là 45,6% và giai đoạn 2005-2009 xấp xỉ 28%.

Thông qua hoạt động cho vay, đầu tư trực tiếp, góp vốn liên doanh, liên kết thành lập các tổ chức kinh tế... để đầu tư phát triển các dự án hạ tầng kinh tế-xã hội, các quỹ đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư.

Đồng thời, chính quyền địa phương có thêm công cụ tài chính để huy động các nguồn lực tài chính phục vụ cho mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật theo chiến lược phát triển kinh tế xã hội.

Ngoài ra, quỹ còn đóng vai trò tích cực là một trung gian tài chính cho địa phương khi thực hiện nguồn vốn ủy thác, tư vấn tài chính. Tính đến nay, tổng vốn ủy thác là 2.474 tỷ đồng.

Để hỗ trợ các quỹ đầu tư phát triển địa phương nâng cao năng lực cũng như tăng cường vai trò của quỹ trong việc phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, ngày 12/8/2009, Chính phủ Việt Nam đã ký hiệp định tài chính về dự án Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

Theo hiệp định này, Ngân hàng Thế giới cam kết sẽ cung cấp một khoản tín dụng trị giá 185 triệu USD để các quỹ đủ năng lực vay lại. Mục tiêu là hỗ trợ năng lực tài chính và quản trị cho các quỹ trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị trên địa bàn.

Để nguồn quỹ không ngừng phát triển đem lại lợi ích lâu dài, từ nay đến năm 2015, chính quyền địa phương có quỹ hoạt động cần huy động tối đa các nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi trong nhân dân; tăng cường phương thức hợp vốn, góp vốn cho vay, thực hiện ủy thác phát hành trái phiếu địa phương; xây dựng các phương an thoái vốn đầu tư linh hoạt, đa dạng để đẩy nhanh quá trình quay vòng vốn đầu tư vào dự án khác./.

Nguyễn Sơn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục